Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong đó đề cập đến các giá trị về cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân. Tại thời điểm đó, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chiến đấu với một kẻ thù vô hình: Đại dịch sốt rét. Những giá trị chung của hai nước được đề cập trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập và vấn đề sức khỏe cộng đồng đã giúp hai bên xích lại gần nhau hơn. Bảy thập kỷ sau, ngoại giao y tế vẫn là nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta.
Cũng vào thời điểm đó, cách Việt Nam gần 14.000km, các học viên quân sự và người dân tại Hoa Kỳ gần như kết thúc cuộc chiến chống lại căn bệnh sốt rét, một phần nhờ vào chương trình Phòng chống Sốt rét ở các Khu vực có Chiến tranh (MCWA). Ra mắt vào năm 1942, MCWA là một chương trình được xây dựng nhằm phòng ngừa bệnh sốt rét thông qua phương thức tiếp cập hợp tác đa lĩnh vực. Đến năm 1945, Chính phủ Hoa Kỳ nhận thấy thành công của mô hình kiểm soát dịch bệnh này và quyết định áp dụng rộng rãi. Ngày 1/7/1946, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, hay còn gọi là CDC, được chính thức thành lập tại Atlanta, Georgia và thay thế cho MCWA.
Vào tháng 7/1950, một nhóm chuyên gia của CDC về phòng chống sốt rét từ Atlanta đã đến Hà Nội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam. Họ tới thăm các khu vực Hà Đông, Phùng Khoang, Vạn Phúc, Thạch Bích, Hải Dương, Văn Quán, Hà Trì, Phượng Trì và cùng xây dựng chương trình phòng chống sốt rét của khu vực, bao gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực dịch tễ học, điều tra và kiểm soát muỗi. Các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp tập huấn cho cán bộ tỉnh và địa phương. Những cán bộ này sau đó tiếp tục đào tạo cho các cán bộ khác theo mô hình “đào tạo theo thác đa bậc”. Hợp tác kỹ thuật này - thời điểm chỉ một năm sau khi Hoa Kỳ thành lập CDC là nền tảng đầu tiên cho tiến trình “ngoại giao y tế” giữa hai quốc gia.
Chỉ 3 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, ngoại giao y tế đã trở thành một hướng đi trong quan hệ hợp tác và cộng tác giữa Việt Nam và Mỹ. CDC, nay được gọi là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, đã thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 1998 và mở văn phòng tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2005. CDC và Bộ Y tế Việt Nam đã thống nhất rằng công tác phòng chống HIV và Lao là lĩnh vực trọng tâm đầu tiên cho hợp tác giữa các chuyên gia y tế của hai nước, tập hợp nhiều lĩnh vực chuyên ngành - giống như với bệnh sốt rét năm 1950 - như dịch tễ học và khoa học xét nghiệm. Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở Việt Nam năm 2003 là một trong những cơ hội tăng cường các hợp tác, theo đó CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cùng tham gia xác định các chủng virus cúm mới trong các chợ gia cầm sống. Sự hiện diện của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS, hay còn gọi là PEPFAR, vào năm 2004 đã kết nối CDC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng cùng hỗ trợ Việt Nam. Nhờ vậy, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc kiểm soát HIV và bệnh lao, đồng thời hợp tác trong chương trình cúm giúp chúng ta chuẩn bị phòng ngừa các đại dịch cúm tiếp theo. Những công tác này đã thúc đẩy sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, và tình hữu nghị, đồng thời đặt nền tảng cho các hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Vào năm 2013, CDC và Bộ Y tế Việt Nam đã cùng hợp tác trong một dự án về tăng cường khả năng chuẩn bị ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh lớn của Việt Nam. Sau khi dự án thành công, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối tác y tế trong khuôn khổ của Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu (CTANYTTC), và cũng giống như Chương trình PEPFAR, chương trình này cũng có sự hỗ trợ của USAID và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã cùng phối hợp tăng cường giám sát các bệnh như sốt xuất huyết và sởi cũng như các dịch bệnh mới như virus Zika. Trong bốn năm tiếp theo, chúng ta đã thành lập các Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng - các trung tâm tinh hoa về dịch bệnh - ở cấp quốc gia và ở bốn phân vùng địa lý về y tế công cộng. Hai nước đã cùng nhau tăng cường năng lực và an toàn xét nghiệm, để có thể ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất phục vụ xác định các bệnh truyền nhiễm mới. Chúng tôi đã củng cố năng lực về dịch tễ học thực địa, triển khai tiêm phòng cúm cho các nhân viên y tế, và đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng thường quy cho trẻ em tại Việt Nam. Các công tác này đã giúp chúng ta chuẩn bị cho thách thức y tế công cộng lớn nhất trong một thế kỷ.
Ngày 8/1/2020, Bộ Y tế Việt Nam đã mời CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thảo luận về một chùm ca bệnh viêm đường hô hấp do một chủng mới của virus corona gây ra được ghi nhận tại Trung Quốc. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ quan trọng của Bộ Y tế, nhưng do những người tham dự đã hợp tác cùng nhau trong nhiều năm nên bước giới thiệu thành phần đã không còn cần thiết nữa. Chưa đầy ba tuần sau, những trường hợp nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và Nha Trang, và khoảng một tuần sau đó, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bước đi quan trọng này tạo cơ chế cho các bộ phận khác nhau của Chính phủ Việt Nam cùng làm việc, hợp tác, chia sẻ và cập nhật thông tin cho các nhà chức trách trong thời gian sớm nhất.
Khi bắt đầu đại dịch, Việt Nam đã hành động vô cùng quyết liệt để ngăn chặn và dập dịch, ví dụ như việc phong tỏa xã Sơn Lôi, nơi sinh sống của 10.000 người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao đổi và giải thích cặn kẽ giúp chúng tôi hiểu rõ lý do việc phong tỏa khu vực trên.
Chúng tôi đã lắng nghe và học hỏi. Để có một mối quan hệ hợp tác tốt, điều quan trọng là chúng ta cần thấu hiểu các quyết định mà đối tác của chúng ta đưa ra.
Với quan điểm tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, CDC tự hào hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực để ứng phó với đại dịch Covid-19. Chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng hướng dẫn giám sát và xét nghiệm chẩn đoán để các chuyên gia có thể nhanh chóng xác định được các biến thể mới. Chúng tôi đã hỗ trợ điều tra thực địa tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Hải Dương. Khi Bệnh viện Bạch Mai xảy ra đợt bùng phát Covid-19 vào tháng 3/2020, CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ kỹ thuật về khảo sát, đánh giá điều kiện thông khí và đề xuất các chiến lược ngăn chặn sự lây lan sau này. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với Bộ Y tế nghiên cứu sự lây lan của virus trong cộng đồng, đồng thời hỗ trợ giám sát các biến cố bất lợi liên quan đến tiêm vaccine Covid-19, để mọi vấn đề liên quan đến vaccine có thể được xác định và giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi không đơn độc trong công tác này. Cùng sự hợp tác hiệu quả với các đồng nghiệp của chúng tôi tại WHO, USAID, Bộ Quốc phòng và hầu hết tất cả các bộ phận của Đại sứ quán Hoa Kỳ, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ người dân Việt Nam trong cuộc chiến này. Việt Nam ơi, cố lên!
Khi chúng tôi nghĩ lại về những nhà khoa học của CDC đã đến Hà Nội vào mùa hè năm 1950, và nhìn về tương lai của mối quan hệ hợp tác y tế Việt Nam - Hoa Kỳ, điều duy nhất chúng tôi cảm thấy là sự lạc quan. Giờ đây, chúng ta đã có một lịch sử chung và lâu dài về hợp tác song phương, điều này đã giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đây là cốt lõi của ngoại giao y tế. Chúng tôi mong sớm được thấy kế hoạch thành lập cơ quan tương tự như CDC ở cấp quốc gia của Việt Nam và CDC Mỹ hy vọng lịch sử chung lâu dài và tình hữu nghị sẽ giúp chúng ta vun đắp những giá trị tốt đẹp hơn nữa cho người dân Việt Nam và Hoa Kỳ.
Biên tập: Tú Anh
Trình bày: Ngọc Minh
10:26 02/09/2021