“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 1

Những chồi xanh bắt đầu nhú lên cao từ những thân cây xù xì được dựng lại sau bão; quảng trường trung tâm huyện đảo Bạch Long Vĩ thênh thang rộng mở với tiếng nhạc rộn rã chào ngày mới; ngước nhìn lên cao giữa nền trời trong xanh, lá cờ Tổ quốc tung bay khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng... “Ngày bình thường” đã trở lại nơi huyện đảo tiền tiêu trên Vịnh Bắc Bộ, giữa những khó khăn, ngổn ngang mà cơn bão Yagi (bão số 3) còn để lại nơi đây...

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 2

Bão Yagi đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ từ 20 giờ ngày 6/9/2024. Sáng sớm ngày 7/9, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến không giấu vẻ lo lắng: “Hiện giờ bão số 3 đã vào đảo ở cấp 11 - 12, gió giật mạnh lên cấp 14 - 15. Hiện tại mắt bão đã đi qua nhưng gió vẫn duy trì không giảm”.

Ở một đầu dây khác, Thượng tá Vũ Đức Lợi - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vĩ cũng gấp gáp gõ dòng tin nhắn: “Cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy đã được di chuyển đến khu vực an toàn trên đảo, hiện chỉ còn tôi và 2 đồng chí tác chiến ở lại trực”.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 3

Mọi hình ảnh, video được lãnh đạo huyện đảo gửi cho chúng tôi qua Zalo khi ấy thực sự khiến những người ở đất liền không khỏi rùng mình. Mặc dù đã được dự báo về cường độ của cơn bão, huyện đảo cũng đã huy động mọi lực lượng để ứng phó nhưng khi siêu bão ập tới vẫn thật kinh hoàng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Đào Minh Đông, tuy không có thiệt hại về người, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân được an toàn, nhưng về tàu thuyền, đã có 1 tàu vỏ gỗ, chiều dài 10m, công suất máy 24CV bị chìm trong âu cảng do bị đứt dây chằng buộc, va đập dẫn đến chìm đắm.

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn huyện Bạch Long Vĩ cho thấy, đa số các cơ quan, đơn vị và nhà dân bị tốc mái, một số cơ quan, đơn vị bị đổ tường bao, nhiều công trình phụ của Nhân dân và tài sản khác bị hư hại. Đáng nói là hồ chứa nước ngọt duy nhất của đảo bị rạn, nứt bờ đê sau bão, công trình cảng Tây Bắc bị thiệt hại lớn nhiều hạng mục.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 4

Theo thống kê của UBND huyện Bạch Long Vĩ khoảng 80% cây xanh tại các tuyến đường, các cơ quan, đơn vị, nhà dân bị gãy đổ; hoa màu của Nhân dân và các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại toàn bộ; khoảng hơn 85% diện tích rừng bị tàn phá nặng. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản cũng lên tới 500 triệu đồng.

“Hệ thống dây điện hạ thế bị sự cố 550m. Hầu hết cột điện chiếu sáng ven các tuyến đường bị gãy đổ. Hệ thống thoát nước ven một số tuyến đường bị sập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo” - lãnh đạo huyện Bạch Long Vĩ chia sẻ.

Trước sức tàn phá của siêu bão, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trên đảo cũng tê liệt. Bão và hoàn lưu bão Yagi đánh sập gần hết các ăng ten 2G/3G/4G và ăng ten vệ tinh của các nhà mạng, nhà trạm bị tốc mái, đổ sập. Huyện Bạch Long Vĩ hoàn toàn mất kết nối với đất liền.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 5

Người miền biển, đặc biệt là người dân nơi huyện đảo như Bạch Long Vĩ đã từ lâu quen với sóng to, gió lớn, họ cũng chưa từng sợ hãi, chùn bước trước bất kỳ cơn bão dông nào đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 6

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, khi lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự kiên cường, bản lĩnh của quân và dân nơi huyện đảo tiền tiêu. Thiếu nước ngọt, huyện huy động sức người để xây hồ chứa nước có dung tích đến 45.000m3, biến hòn đảo “vô thủy” thành đảo xanh tươi mát lành, rồi cùng với sự hỗ trợ của TP Hải Phòng, huyện đảo đã trực tiếp giải cơn khát nước sạch, dẫn nước sạch về từng hộ dân nơi đây.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 7

Là đảo xa bờ, nước biển mặn mòi hơn cả, không khí trên đảo có độ mặn rất cao, việc trồng trọt, chăn nuôi cũng vì thế trở nên khó khăn hơn đất liền gấp bội. Để có thể tự cung, tự cấp thực phẩm rau xanh hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ trên đảo không tiếc công, tiếc sức vận chuyển hàng trăm bao đất từ đất liền ra đảo, đào ao thả cá, quy hoạch chuồng trại chăn nuôi... Họ ươm trồng những mầm cây xanh, chăm bẵm đàn ngan, vịt, heo, bò trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, để thấy “không có việc gì khó”, chỉ cần có sức người, có lòng tin đều có thể biến “không thể” thành “có thể”.

Siêu bão Yagi cũng vậy. Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Siêu bão Yagi đã hướng vào đất liền Việt Nam, và Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ trực tiếp đối diện với cơn bão lớn. Hòn đảo nhỏ tan hoang, xơ xác sau bão, nhưng bằng ý chí gang thép đã ngấm sâu từ trong máu thịt của những con người nơi đây, cùng tinh thần đoàn kết một lòng, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo đã chung tay khắc phục hậu quả nặng nề của siêu bão.

Theo Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến, ngay sau khi bão Yagi đi qua, huyện đảo đã huy động Nhân dân và các lực lượng đóng quân trên địa bàn thu dọn và vệ sinh các khu vực quanh trường học, trung tâm y tế, các tuyến đường... Làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự nhất là khu vực trên bờ đường dạo âu cảng, nơi tập trung phương tiện của người dân đưa lên bờ tránh bão, khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão. Cán bộ lãnh đạo huyện trực tiếp rà soát, kiểm tra, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống...

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 8

Đáng chú ý là ngay khi bão vừa dứt, các nhà mạng trên đảo cùng các lực lượng của TP Hải Phòng cũng gấp rút ứng cứu, khôi phục thông tin liên lạc cho đảo. Anh Lê Đức Thắng, nhân viên thuộc Trung tâm Viễn thông I - VNPT Hải Phòng, một thành viên Tổ ứng cứu cho biết: “Thời điểm đó, Tổ ứng cứu liên lạc ra đảo trong tình trạng mưa to, sóng lớn, lại mang vác theo nhiều trang thiết bị, vật tư, máy móc cồng kềnh, đường đi lên các điểm sửa chữa cũng rất vất vả, nguy hiểm”.

Sau gần 20 giờ đồng hồ gần như quên ăn, quên ngủ, những nỗ lực của đội ứng cứu đã có thành quả. Đến trưa 11/9, mạng viễn thông công cộng, sóng VinaPhone tại Bạch Long Vĩ đã được khôi phục trong niềm vui, sự phấn khởi của chính quyền và người dân trên đảo.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 9

Với mạng Viettel, các chuyên gia, nhân viên, kỹ thuật của đơn vị cũng chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ khôi phục mạng lưới. Việc thông tin liên lạc trên đảo tiền tiêu được kết nối thông suốt sớm hơn kế hoạch đề ra chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện được kể trong những ngày Bạch Long Vĩ kiên cường khắc phục hậu quả siêu bão.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 10

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chị Hoàng Thị Việt Hà - cán bộ Ban Quản lý cảng và khu neo đậu tàu Bạch Long Vĩ, cũng là một cư dân nhiều năm gắn bó với đảo không giấu niềm vui: “Ngay khi bão tan, chính quyền và người dân đã bắt tay thu dọn những đổ gãy, từng bước khôi phục, ổn định lại cuộc sống. Đến nay, nhịp sống của người dân trên đảo đã trở lại bình thường. Giờ đang vào mùa đi biển của ngư dân, tàu thuyền tấp nập ra vào âu cảng mỗi ngày. Dù còn nhiều việc cần làm sau bão nhưng chúng tôi rất tin tưởng, lạc quan ngày mai sẽ luôn tốt hơn ngày hôm qua”.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 11

Là huyện đảo tiền tiêu, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng biển của Việt Nam, Bạch Long Vĩ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan T.Ư và TP Hải Phòng. Theo Quyết định số 15/QĐ-MTTQ-BVĐ của Ban vận động cứu trợ thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng, Bạch Long Vĩ là một trong 15 quận, huyện của TP Hải Phòng sớm nhận được kinh phí khắc phục thiệt hại do bão Yagi, với kinh phí hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng (tính đến ngày 19/9/2024).

“Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của T.Ư và TP Hải Phòng. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định tinh thần chủ động cùng Nhân dân nỗ lực, vượt khó để ổn định đời sống, khắc phục hậu quả sau siêu bão một cách nhanh nhất, sớm nhất” - Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến khẳng định. Ngoài nguồn hỗ trợ bằng kinh phí vận động của MTTQ TP Hải Phòng là 1,5 tỷ đồng (chủ yếu để hỗ trợ công trình bị thiệt hại của các hộ dân), UBND TP Hải Phòng đang thống kê và tính toán để sớm triển khai thêm nguồn hỗ trợ lớn hơn cho huyện đảo giúp khắc phục các công trình, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại sau bão.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 12

Theo những người dân của đảo, tháng 10 hàng năm là thời điểm đảo Bạch Long Vĩ bước vào mùa khô, tiết trời ở đảo lạnh, khô và ít mưa, mát mẻ, rất dễ chịu. Việc ra đảo bây giờ thuận tiện hơn trước rất nhiều, ngoài tàu Hoa Phượng Đỏ, tàu Bạch Long, còn có các tàu cá của ngư dân đi lại thường xuyên trên biển. Vì thế, tranh thủ thời gian này, người đất liền cũng đến và lưu trú ở đảo dài ngày hơn để thăm hỏi người thân hoặc du lịch nghỉ dưỡng.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 13

Với những ai đã từng một lần ghé thăm đảo tiền tiêu có lẽ đều mang một cảm nhận: đảo Bạch Long Vĩ tuy xa mà gần. Người dân nơi đây hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó, chẳng quản ngại nắng mưa, giông bão, kiên cường bám trụ đảo nhỏ. Họ cùng các lực lượng đóng quân trên đảo đang từng ngày gìn giữ, bồi đắp, xây dựng phát triển huyện đảo tiền tiêu hiên ngang, vững vàng giữa biển trời bao la - tự hào là cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của nước ta trên Vịnh Bắc Bộ.

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 14

 

“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 15
“Ngày bình thường” trở lại nơi đầu sóng - Ảnh 16

17:57 16/10/2024