Năm 2023 bối cảnh thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng Việt Nam đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua để phấn đấu đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Với những kết quả đã đạt được, bước sang năm 2024, cộng đồng nhà đầu tư, DN và người dân đều kỳ vọng lớn hơn về sự phục hồi của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, dù không đạt được mục tiêu đề ra, song vẫn thuộc top những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thấp hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát. Trong khó khăn, thu ngân sách vẫn vượt dự toán...
Không gian phát triển mới của Việt Nam cũng mở rộng hơn nhờ thành công của công tác đối ngoại. Một phần bởi thế, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các tổ chức quốc tế, như Moody’s, Fitch Ratings... đều đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thăng hạng liên tục. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 46 năm 2023. Tháng 12/2023, Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng “Ổn định”.
Việt Nam cũng đã trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu và là tâm điểm của dòng đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0, chip bán dẫn, AI, hydrogen... Bất chấp dòng đầu tư toàn cầu còn khó khăn, năm 2023, Việt Nam vẫn thu hút được hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân đạt kỷ lục 23,18 tỷ USD...
3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong năm 2023 cho thấy rõ kết quả. Như với lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu, nhiều ngành hàng khó khăn nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây vẫn là động lực chính cho tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực.
Đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục vớigần27tỷUSD,gấpgần3lầnsovới năm trước. Với kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, dù chưa đạt mục tiêu nhưng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tổng cầu sụt giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, không còn chỉ như một giải pháp thay thế khi xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa còn góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Dẫn chứng, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành là 8 - 9%.
Tại thời điểm này, nhiều DN đã lên kế hoạch tăng trưởng cho năm sau, dù còn khó khăn nhưng vẫn đặt những mục tiêu khá tham vọng. Bởi lẽ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến tích cực.
Dù cũng chịu những tác động của tình hình kinh tế thế giới, thế nhưng đến hết quý III/2023, tăng trưởng của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đạt 4.941 tỷ đồng doanh thu và 390 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 41% so với cùng kỳ, hoàn thành được 80% kế hoạch về doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra. Đại diện Công ty cho biết, lợi nhuận tăng là nhờ Công ty khai thác tối đa các nguồn lực, áp dụng chuyển đổi số, tự động hóa các khâu trong dây chuyền sản xuất. Với kết quả này, DN đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau tiếp tục đạt khả quan.
Tiếp cận thị trường nước ngoài để mở rộng dư địa tăng trưởng là giải pháp Công ty CP Nhựa Hà Nội đặt ra. Công ty cũng đang tập trung xuất khẩu các sản phẩm mảng ván sàn và nhựa gia dụng. Hiện đã có khách hàng là siêu thị lớn tại Canada đặt hàng cho
năm 2024. “Nhựa Hà Nội sẽ bứt ra khỏi vùng an toàn, không chỉ cung cấp cho khách hàng truyền thống trong nước, mà còn mở rộng tệp khách hàng mới, thị trường mới ở nước ngoài, qua đó tự chủ hơn trong kế hoạch kinh doanh”- Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội Ngô Văn Thụ cho hay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) Đỗ Tiến Dũng cho biết, Haxaco đang đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự và hệ thống, chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi bởi thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Các chuyên gia đánh giá, DN đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, bố trí lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Do vậy, "sức khỏe" ngành sản xuất đang dần được cải thiện và tốt hơn trong năm 2024.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đưa ra dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2024 tăng trưởng bình quân kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 2,9%, trong đó, Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 6%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ xác định chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "5 quyết tâm" và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu. Theo đó, Chính phủ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân, DN được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, không còn cách nào khác, phải dồn lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng xác định, mục tiêu tăng trưởng sẽ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2024. Phải tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đặc biệt là đầu tư. Cùng với đó, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ...
Để cộng đồng DN có thêm trợ lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giới chuyên gia đánh giá, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT, giảm lãi suất vay... đều là những "liều thuốc" kịp thời cho DN.
“Để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong 2024 và các năm về sau, cần khơi thông thị trường tài chính, thị trường vốn, đặc biệt tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số một cách chủ động, bền vững. Trong đó, năm 2024, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan. Trọng tâm là số hóa các hoạt động quản lý Nhà nước, kinh tế số, xã hội số, thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Khó khăn, thách thức của nền kinh tế càng lớn, thì càng cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn. Phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, để kỳ vọng một năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, phát triển, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, từ đó góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.
09:18 08/02/2024