Xin chào tiến sĩ! Ngành Nông nghiệp nói chung và Nông nghiệp Hà Nội nói riêng đã gặp những khó khăn khi gì do đại dịch Covid-19?
TS.Trần Công Thắng: Cũng như các ngành, lĩnh vực khác trong bối cảnh Covid-19, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh, khiến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp không tương xứng với giá trị tăng trưởng của ngành.
Trong khi đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.
Trước nhiều thách thức, nhưng mới đây Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn khẳng định ngành Nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế? Nên lý giải về điều này như thế nào, thưa Viện trưởng?
TS.Trần Công Thắng: Bản thân các con số đã nói lên tất cả. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Nông nghiệp đạt 2,74%. Riêng trong quý ba, mặc dù dịch bệnh diễn ra trên diện rộng ở 19 tỉnh, thành phía Nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04%, so với quý ba năm 2020. Lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nguồn cung và góp phần vào an sinh xã hội ở các đô thị lớn trong điều kiện giãn cách xã hội. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 35,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,7% so với cùng kỳ, và dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Khi các đô thị lớn trong đó có TP.HCM và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lực lượng lao động cùng lúc trở về quê, nhất thời tạo ra áp lực dịch chuyển, bảo đảm an sinh lớn, nhưng đồng thời, cũng cho thấy vai trò hậu phương quan trọng của nông thôn.
Điều gì đã khiến Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Nông nghiệp Hà Nội có được thành tích như thế?
TS.Trần Công Thắng: Ngành Nông nghiệp để có kết quả như vừa qua do nhiều yếu tố quan trọng, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, đảm bảo lưu thông để tiêu thụ nông, thủy sản.
Hà Nội là số ít địa phương đã nhanh chóng phân 3 vùng để tổ chức sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nông sản trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, vùng 1 gồm 10 đơn vị: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín). Vùng 2 gồm 5 đơn vị quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Vùng 3 gồm 10 đơn vị hành chính: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).
Trong 9 tháng năm 2021, Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục giữ được sự ổn định. Diện tích rau màu các loại đạt 28.454ha, với sản lượng khoảng 520.000 tấn. Cây lâu năm hiện có 23.160ha, riêng diện tích cây ăn quả đạt 19.391 ha. Chăn nuôi trâu, bò không phát sinh dịch bệnh lớn, chăn nuôi lợn có sự phục hồi nhanh hiện có 1,37 triệu con, lĩnh vực thủy sản ước đạt 80.000 tấn. Đây đều là những con số tích cực của Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngoài ra, do Việt Nam đã tham gia hội nhập với 17 hiệp định thương mại tự do. Đây là mấu chốt đưa nông sản của Việt Nam trong đó có Hà Nội ra nước ngoài khi gần như các dòng thuế trở về bằng 0. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, có sự đa dạng về các mặt hàng nông sản mà nhiều nước không có được…
"Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050" vừa được Chính phủ ban hành, ngành Nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh". Câu chuyện phát triển Nông nghiệp Thủ đô trong tương lai cần chú ý đến những vấn đề gì thưa tiến sĩ?
TS.Trần Công Thắng: Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau, phát triển Nông nghiệp Hà Nội trong tương lai phải dựa trên cơ sở đặc thù (lợi thế) của Thủ đô. Nông nghiệp Hà Nội không thể cạnh tranh với Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam hay các tỉnh đồng bằng khác bằng lợi thế đất đai, lao động rẻ. Hà Nội có 2 lợi thế lớn là thị trường và con người thì cần phải tập trung vào đấy. Khi giãn cách xã hội, Sở Công thương Hà Nội đã tính nhu cầu tiêu dùng của 8,1 triệu cư dân Hà Nội trong 15 ngày (từ ngày 6 đến 20-9-2021) để phòng, chống dịch ước tính là 36.450 tấn gạo, 40.485 tấn rau củ quả, 9.716 tấn thịt gia súc, 2.429 tấn thịt gia cầm, 48,6 triệu quả trứng, 9.716 tấn thủy sản…một thị trường tiêu thụ rất lớn.
Là Thủ đô, nơi tập trung nhiều trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học, Hà Nội cần tập trung vào các thế mạnh để phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ ren. Tôi cho rằng Hà Nội cần tập trung sản xuất cây giống, con giống tốt cho các địa phương miền bắc, đây là một hướng đi phù hợp với Nông nghiệp Thủ đô. Hà Nội cần đi đầu trong việc chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", tôi lấy ví dụ giá thị trường 1 kg hồng giòn chỉ khoảng 40 ngàn đồng nhưng bán một cành hồng có khi đã tiền triệu.
Năm 2020, thu nhập bình quân nông dân là 43 triệu đồng/năm, tương đương gần 3,6 triệu/tháng. Như vậy câu chuyện phát triển Nông nghiệp Hà Nội sau đại dịch Covid-19 phải tăng thêm giá trị dịch vụ, sáng tạo đổi mới gắn liền với xây dựng nông thôn mới kết hợp với việc phát triển làng nghề, gắn liền với du lịch sinh thái. Anh đã thấy cuối tuần người dân Hà Nội nô nức ra bãi đá sông Hồng chưa? Vậy có thể phát triển du lịch ngoài đê được không?
Hà Nội đang trong quá trình phát triển, vận động từ làng ra phố, các huyện Gia Lâm, Đông Anh và sau đó là Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận. Khi đó sẽ có sự dịch chuyển đáng kể về ngành nghề, đó chính là câu chuyện "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh" cho nông thôn và nông dân Hà Nội. Đặc điểm của nền văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long, làng quê Hà Nội quây quần thành cụm dân cư cần được khai thác.
Đã nhiều lần ông nhắc đến cùng với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, Nông nghiệp Hà Nội cần phát triển tích hợp "đa giá trị". Tại sao lại đặt vấn đề như vậy, thưa Viện trưởng?
TS.Trần Công Thắng: Tích hợp đa giá trị trong nông nghiệp là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Tích hợp đa giá trị đối với nông nghiệp Hà Nội chính là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.
Tích hợp đa giá trị đối với nông nghiệp Hà Nội chính là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hòa nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn,...
Theo Viện trưởng, quá trình phát triển nông nghiệp trong tương lai, Hà Nội cần gìn giữ và phát huy giá trị riêng nào?
TS.Trần Công Thắng: Hợp tác xã. Hợp tác xã một thiết chế kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam mà các địa phương Hà Nội đang làm rất tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên đưa tư tưởng hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Ngay từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế quan trọng này. Trong cuốn Đường Kách mệnh viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người đã nhấn mạnh: “Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thành giàu, chia ra thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận HTX đều ở trong những điều ấy”.
Nếu tất cả trông chờ vào nguồn vốn hữu hạn của Nhà nước thì sẽ không bao giờ đáp ứng đủ mà cần huy động vốn từ cộng đồng, HTX, doanh nghiệp đối tác sẽ là một giải pháp cơ bản, bền vững trong nền kinh tế thị trường mà các địa phương Hà Nội cần phát huy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
21:06 17/12/2021