Xây dựng khung pháp lý nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng được xem là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, từ đó góp phần hướng đến mục tiêu “xóa sổ” tín dụng đen. Xung quanh nội dùng này, PV Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh.
Theo ông, hoạt động cho vay tiêu dùng có vai trò gì đối với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu tiếp cận tài chính của người dân?
- Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, mang lại những tác động tích cực cho xã hội và là công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Thống kê cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và đồng thời thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Song vẫn phải thừa nhận dù rất phổ biến, tín dụng tiêu dùng ở nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Chính điều này đã khiến tín dụng đen có mảnh đất màu mỡ để nở rộ.
Như phân tích của ông, có thể hiểu, tín dụng chính thức chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân là nguyên nhân khiến tín dụng đen có “đất” để bùng nổ?
- Trong đời sống, nhu cầu tài chính của cá nhân hay gia đình sẽ không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà nó có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch…, đặc biệt khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi.
Mỗi người đều có mục đích đi vay khác nhau, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân, vay vốn ngân hàng/công ty tài chính…, người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính kịp thời.
Đặc biệt, ở giai đoạn hiện nay, khi những khó khăn chung của nền kinh tế tác động lên thu nhập của người dân khiến nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm, trong khi tình trạng “bùng nợ” có xu hướng tăng, kéo theo nợ xấu. Điều này đồng nghĩa cho vay tiêu dùng giảm và tín dụng đen có xu hướng tăng, thậm chí có thể sẽ bùng phát ở những tháng cuối năm 2024.
Vậy đẩy mạnh cho vay tiêu dùng có phải là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận tín dụng đen hay không, thưa ông?
- Nói về tín dụng đen, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời kỳ như vậy. Dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống. Như vậy bài học thực tế đã có, vấn đề còn lại là phải hành động ngay, tạo nên một thị trường bền vững.
Để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay.
Trong đó, lãi suất vay rất quan trọng. Theo tôi, để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu “xóa sổ” tín dụng đen, thì trước hết phải kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng, từ đó hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, trần lãi suất cho vay tiêu dùng còn là cách để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Thị trường tín dụng lành mạnh, minh bạch là điều kiện thuận lợi để các công ty tài chính thiết kế nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng hữu ích, phù hợp với nhiều đối tượng người dân. Hiểu đơn giản, khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng thì sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội...
Trong thời gian tới, để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững hơn, theo ông đâu là giải pháp?
- Việc gặp nhau giữa cung và cầu là yếu tố giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển quy mô ngày càng lớn. Song, các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ bảo đảm lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Trong tương lai, như tất cả các loại hình khác trong nền kinh tế thị trường, hãy để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển theo quy luật của thị trường, có cạnh tranh. Khi đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, các công ty tài chính cũng minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
Với người đi vay cần phải tự trang bị những kiến thức, những thông tin về cho vay tiêu dùng. Còn các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro; xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, UBND các cấp, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân gặp khó khăn; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi, an toàn.
Xin cảm ơn ông!
11:11 27/07/2024