Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ. Luật đã bước đầu giúp cho Thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch, góp phần giúp cảnh quan đô thị trật tự, ngay ngắn hơn. Thẩm quyền của Thành phố trong quy định mức xử phạt trong vi phạm trật tự xây dựng, đất đai… được tăng cường. Việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Tăng trưởng của Thành phố năm sau cao hơn năm trước, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung của cả nước…
Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, Luật Thủ đô 2012 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải sửa đổi. Cụ thể, nhiều quy định của Luật mang tính định khung, chung chung, khó áp dụng. Sau khi Luật có hiệu lực thì cũng có nhiều luật khác được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Cư trú…), trong đó có những quy định chồng chéo với Luật Thủ đô. Đồng thời, một số nội dung của Luật chưa đề cập như sự đặc thù về tổ chức bộ máy của chính quyền Thủ đô, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; còn thiếu cơ chế điều hành chung trong việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô…
Do đó, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhận định là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Một tuần sau khi ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Đề cập tới Nghị quyết quan trọng này, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã chỉ đạo Quốc hội phải quan tâm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thật tốt, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Hà Nội cũng phải xây dựng chương trình hành động khoa học, bài bản, từ kinh nghiệm thực hiện các nghị quyết trước đây của Bộ Chính trị để triển khai thật hiệu quả.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 15-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã bắt tay ngay vào quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Trong một năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ lớn, trong đó đã hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô.
Như lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ ra, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.
Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (tháng 11/2022), Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Từ đề xuất của Thành phố Hà Nội, tại Nghị quyết số 27/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2023, Chính phủ cơ bản thống nhất với 9 nhóm chính sách trong văn bản đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình.
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan có liên quan, khẩn trương, trách nhiệm trong việc lập Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, tạo động lực phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư mạnh cho Thủ đô.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Nghị quyết đã quy định Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Ngày 25/7/2023, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng. Cùng đó, xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật.
Lưu ý Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, lãnh đạo Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt; thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Đồng thời, phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay.
Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Vì vậy, các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
05:00 07/11/2023