2 bảo mẫu hành hạ trẻ em tại cơ sở Mầm Xanh ra trình diện

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi sáng bảo mẫu cơ sở Mầm Xanh đều tươi cười, niềm nở nhận các cháu vào lớp. Tuy nhiên, khi cánh cổng khép lại các bé đã bị đánh đập, bị hành hạ ngay cả trong lúc ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh…

 Cơ sở mầm non bạo hành trẻ em tại quận 12, TP Hồ Chí Minh
Danh tính 2 bảo mẫu
Tối 29/11, Công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh) thông tin, 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) đã đến trình diện. Danh tính 2 người này là Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Quỳnh (đều SN 1994).

2 bảo mẫu trên được xác định cùng chủ cơ sở là bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974) có hành động đạp, tát, dùng các vật dụng đánh liên tiếp vào người, vào đầu các bé được gửi tại cơ sở mầm non Mầm Xanh như trong clip báo chí phản ánh.

Ngày 28/11, Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Mỹ Linh về tội "Hành hạ người khác" được quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự.

Tại trụ sở công an, bước đầu Nguyễn Thị Đào khai do không ở trong thành phố nên không biết sự việc xảy ra. Sau khi về nhà, Đào xem qua báo chí thì thấy hình ảnh của mình và bà Linh đang bạo hành trẻ. Khi bà Linh bị bắt do quá hoảng sợ nên Đào đã đến cơ quan công an trình diện. Hiện 2 bảo mẫu trên đang được tạm giữ để tiếp tục điều tra.

Theo lý giải trong lời khai của bà Phạm Thị Mỹ Linh, do các bé hiếu động nên các bảo mẫu phải đánh dằn mặt để các cháu sợ, nghe lời và chịu ăn ngủ. Quỳnh và Đào không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề dạy dỗ, chăm sóc trẻ mầm non.

Tính đến thời điểm phát hiện vụ việc, cơ sở mầm non Mầm Xanh đang nhận giữ 36 trẻ, chủ yếu là con em công nhân, lao động trên địa bàn. Trong đó, 11 trẻ thuộc nhóm từ 18 đến 36 tháng tuổi và 25 trẻ thuộc nhóm từ 3 đến 5 tuổi.

Mỗi sáng nhận các cháu vào lớp, bà Linh và hai bảo mẫu đều tươi cười niềm nở. Tuy nhiên, khi cánh cổng cơ sở khép lại các cháu đã bị đánh đập. Nhiều trẻ bị hành hạ ngay trong lúc ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh, học tập… khiến các bé đến trường trong sợ hãi.
Di chứng để lại là rất lớn

Sáng 29/11, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 12 cho biết: 15 trong tổng số 36 trẻ tại cơ sở mầm non Mầm Xanh đã được gia đình gửi đến các điểm giữ trẻ do địa phương giới thiệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình do chưa cảm thấy an tâm nên quyết định cho trẻ ở nhà một thời gian.

Trước đó, ngày 27/11 Ủy ban nhân dân quận 12 tổ chức khám tổng quát cho 36 bé. Các bác sĩ đã khám khắp thân thể của các bé và hỏi thêm thông tin từ phụ huynh về những biểu hiện tâm lý bất thường.
 Các bé được khám tổng quát ngày 27/11. Ảnh: Vietnamnet.
Một trường hợp điển hình được báo Vietnamnet thuật lại: Bé L.T.M.A. (20 tháng tuổi) là con của nữ công nhân may Phan Thị Mỹ Lan (26 tuổi, quê An Giang). Do ở quê khó khăn nên chị cùng chồng đưa con lên thành phố làm và thuê trọ gần cơ sở mầm non Mầm Xanh được 8 tháng. Thời gian gửi bé M.A. tại đây cũng đã hơn 4 tháng.

Khi M.A. được mẹ đưa vào phòng để bác sĩ khám, bé khép nép sợ hãi. Đặc biệt, khi đưa lên băng ca để khám thì bé liên tục khóc thét, hoảng sợ. Rất may sau khi thăm khám M.A. không bị chấn thương nào, song bác sĩ yêu cầu chị Lan phải thường xuyên theo dõi sức khỏe và đặc biệt là tâm lý của bé.

"Lúc đầu gửi cũng thấy con có dấu hiệu bất thường như bị bầm tím ở mặt, chân như có vết roi. Khi hỏi bà chủ cơ sở thì cô bảo mẫu nói do cháu tự ngã hoặc vui đùa, giành đồ chơi với bạn.

Chúng tôi tuy là công nhân nghèo nhưng gửi cũng trả tiền, cũng quà cáp đầy đủ. Tại sao họ ác quá vậy?”, chị Lan xúc động và cho biết ban đêm ngủ hay mỗi lần đi tắm bé M.A. thường xuyên giật mình, khóc thét.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích, đối với các em nhỏ, hành vi bạo hành không chỉ khiến cơ thể các bé bị tổn thương hiện tại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, hành vi và cách ứng xử của bé trong tương lai.

Tình trạng kéo dài sẽ gây ám ảnh cho các bé, khiến tính cách bé trở nên hung dữ, lì lợm hoặc nhút nhát, tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội. Ngoài ra bạo hành trẻ em còn khiến cho cả xã hội bất an.
TP Hồ Chí Minh tổng kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập

Sau khi vụ việc bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh được báo chí phản ánh, ngày 27/11, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Công văn khẩn gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở mầm non ngoài công lập.
 Hình ảnh cắt từ clip
Nội dung công văn nêu rõ: Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND TP chỉ đạo tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ hoạt động của cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP và chấn chỉnh xử lý đối với những cơ sở không đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Thường trực Thành ủy yêu cầu Đảng ủy Công an TP chỉ đạo Công an TP chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý đối với hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh theo quy định của pháp luật.

Đối với các địa phương, đồng chí Bí thư quận ủy, huyện ủy chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ trẻ;

Mở trường, lớp mầm non theo đúng quy định; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn, phân công trách nhiệm cụ thể đối với hệ thống chính trị phường-xã, thị trấn, khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, phát huy sức dân, dựa vào dân để nắm sát, nắm chắc tình hình cơ sở, địa bàn dân cư;

Kịp thời phát hiện, không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ngược đãi hành hạ, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm và kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, quản lý nhà nước trên địa bàn, trách nhiệm kiểm tra, quản lý của ngành dọc đối với tập thể, cá nhân có liên quan.