Thực hiện chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp từ 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện kỹ lưỡng Tờ trình, Báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp...

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ Tài chính, LĐTB&XH, Quốc phòng, Công an và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện kỹ lưỡng Tờ trình, Báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đồng thời, chủ động xây dựng các văn bản quy định và công việc cụ thể triển khai chính sách tiền lương mới.

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp.
Từ ngày 1/7/2024, thực hiện chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ LĐTB&XH về tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể là về việc đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu của người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới.

Về nhu cầu thực hiện phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2024 của đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 do ngân sách Nhà nước đảm bảo, Bộ Tài chính cho biết: Theo ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Cụ thể: tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công 29,2% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng) là 17.276 tỷ đồng vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định (tối đa là 7.430 tỷ đồng).

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý.

Việc điều chỉnh tăng cần bảo đảm mức tương đồng, công bằng giữa các nhóm đối tượng hưởng chính sách từ ngân sách Nhà nước; khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, hỗ trợ các đối tượng có mức hỗ trợ thấp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH có sự phối hợp rà soát, xác định cụ thể những mức điều chỉnh để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức điều chỉnh trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính đề xuất Bộ LĐTB&XH báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư sau khi đảm bảo đủ nhu cầu cải cách tiền lương được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.