20.000 người khuyết tật sẽ được đào tạo nghề trong năm 2023

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật (NKT) sẽ đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 NKT và xây dựng, triển khai mô hình sinh kế, khởi nghiệp cho NKT.

Ngày 29/12, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật (NKT) Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi.

Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội nghị Tổng kết năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. 
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội nghị Tổng kết năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. 

Năm 2022, các hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hữu quan. Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Hà cho biết, năm 2022 có 1.00.000 lao động là NKT được vay vốn tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Hà cho biết, năm 2022 có 1.00.000 lao động là NKT được vay vốn tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế.

Thông tin về kết quả thực hiện năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Hà cho biết: Năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay cả nước có trên 1,5 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị...

Về công tác y tế, đã có trên 3.500 NKT được lập hồ sơ sức khỏe, 2.066 NKT được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 NKT được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ KCB, điều dưỡng PHCN tại các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng (PHCN); cung cấp 11.063 dụng cụ trợ giúp cho NKT có nhu cầu; 2.500 NKT được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe và PHCN; 4.110 NKT và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, PHCN  tại nhà.

Người khuyết tật đang đăng ký thông tin học và làm nghề may cờ tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 
Người khuyết tật đang đăng ký thông tin học và làm nghề may cờ tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh. 

Trong năm đã có nhiều NKT được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Cụ thể, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, cắt may, dệt thêu thổ cẩm cho 300 NKT. Hội người mù Việt Nam mở 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 900 NKT, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật.

1.00.000 lao động là NKT được vay vốn tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế thông qua 3.206 dự án của NKT từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 1.700 NKT và hỗ trợ vật nuôi cho 243 hộ gia đình; và triển khai dự án phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là NKT, trẻ mồ côi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An với 60 hộ tham gia và 270 người thụ hưởng.

Cùng với đó, NKT được tiếp cận giao thông, thể hiện ở các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% - 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. 121.624 lượt NKT được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ; 3.992 lượt hành khách là NKT được giảm 30% giá vé đi tàu; 230 khách hàng được giảm giá vé đường hàng không. Lĩnh vực giao thông đường thủy đã thực hiện chính sách miễn giảm giá vé 25% cho hành khách là NKT.

Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho NKT, năm 2023, Ủy ban Quốc gia về NKT đã đề đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về NKT sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến NKT để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, NKT không có khả năng đọc chữ in tiếp cận tác phẩm;  tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho NKT; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 NKT.

Ủy ban Quốc gia về NKT tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề gắn với việc làm tại DN, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...