Thực hiện chi trả trợ cấp đối với người có công với cách mạng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước mắt, các địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có người có công với cách mạng.

Bộ LĐTB&XH nhận được đơn kiến nghị của công dân về cách thức chi trả trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Về việc này, Bộ LĐTB&XH có ý kiến như sau:

Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025. Ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ banh hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Người dân trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên đang làm thủ tục mở tài khoản để nhận trợ cấp hàng tháng. Ảnh: Thủy Trúc.
Người dân trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên đang làm thủ tục mở tài khoản để nhận trợ cấp hàng tháng. Ảnh: Thủy Trúc.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm chi trả trợ cấp đến các đối tượng đúng, đủ, kịp thời nhất, trước mắt thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Về lâu dài thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp đột xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Thực tế, quá trình triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội đến các đối tượng hưởng chính sách (trong đó có người có công với cách mạng) bằng phương thức không dùng tiền mặt đã đạt được những kết quả tích cực đối với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn như nhiều đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khó tiếp cận công nghệ và các phương tiện hiện đại, nhiều đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, ốm đau, bệnh tật... Đồng thời, nhiều địa phương có địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Căn cứ điều kiện cụ thể, địa phương tập trung thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận công nghệ, hoặc đã có tài khoản ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội. Đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở, lực lượng công an cấp xã trong việc hỗ trợ, phối hợp với ngành LĐTB&XH thực hiện nhiệm vụ này” – Bộ LĐTB&XH cho hay.

Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Bộ LĐTB&XH ghi nhận ý kiến đóng góp của công dân, tiếp tục báo cáo và tham mưu Chính phủ trong hoàn thiện chính sách và hướng dẫn các địa phương triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Tính đến nay, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành lao động quản lý tại các tỉnh, TP là hơn 5 triệu người. Tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là gần 1,1 triệu người.

Ngành LĐTB&XH phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.

Hiện nay, hoạt động chi trả an sinh xã hội được thực hiện thông qua công chức văn hóa xã hội cấp xã từ ngày 1 – 10 hàng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả, bao gồm các đối tượng có tài khoản thanh toán và chưa có tài khoản thanh toán; chi trả trực tiếp từ Kho bạc nhà nước cấp huyện đến trực tiếp tài khoản đối tượng thụ hưởng.