WB: Việt Nam đang gặp trở ngại về chất lượng việc làm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Ngay từ bây giờ Việt Nam đầu tư lớn vào DN trong nước, lực lượng lao động… để tạo ra những việc làm tốt hơn". Thông điệp này được đưa ra tại Hội thảo tham vấn "Tương lai bức tranh việc làm của Việt Nam: Tổng quan”, do Bộ LĐTB&XH và WB tổ chức ngày 7/2.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện chưa gặp vấn đề về số lượng việc làm bởi những người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp trở ngại về chất lượng việc làm khi phần lớn các công việc đều nằm trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng thấp. Có đến 75% số việc làm nằm ở các hộ nông nghiệp, hộ kinh doanh, những công việc không có hợp đồng lao động. Ngoài hạn chế về tài sản sở hữu, quy mô,… gần một nửa số lao động nông nghiệp chỉ tập trung trồng lúa cho năng suất thấp. Đặc biệt, phần lớn các DN ở khu vực phi chính thức chỉ làm ra những hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp. Không chỉ thế, khoảng 75% các công việc trong lĩnh vực sản xuất nằm ở ngành lắp ráp có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Đại diện WB thông tin về 5 xu hướng đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến mô hình kinh tế hiện nay, tạo ra những việc làm tốt hơn, phạm vi đối tượng rộng hơn. Ở xu hướng thứ nhất, sự phát triển của tầng lớp tiêu dùng ở châu Á. Châu Á tuy là nơi có một số nước giàu nhất thế giới nhưng đang có số lượng nước có thu nhập trung bình ngày càng tăng. Ước tính, đến năm 2030 sẽ có hơn 80% số hộ gia đình ở các nước châu Á đang phát triển sẽ có thu nhập khả dụng cho tiêu dùng. Riêng Việt Nam, 2/3 số hộ gia đình có tiền dư để chi tiêu. Thu nhập tăng đi kèm với quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển sẽ giúp cho việc làm ở Việt Nam ngày càng trở lên đa dạng trong cùng một lĩnh vực. Không chỉ thế, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng nhu cầu sản phẩm chế biến, dịch vụ, từ đó khuyến khích DN và người lao động (NLĐ) chuyển dần vào lĩnh vực này.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một nguồn việc làm trên toàn cầu. Việt Nam hiện đã là một trong những nền kinh tế thông thoáng nhất về thương mại trên thế giới, trong đó khu vực FDI là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo của đất nước. Và, với sự sụt giảm của các mức sinh và tuổi thọ tăng, ngành dịch vụ chăm sóc sẽ phát triển để chăm lo cho bộ phận dân số già và mang lại những việc làm mới.
Hơn nữa, thế kỷ 21, do áp dụng tự động hóa ngày càng tăng, những việc làm tri thức có giá trị cao hơn sẽ xuất hiện như trong các ngành thiết kế, nghiên cứu ứng dụng, tiếp thị, dịch vụ hậu mãi, logictics, nông nghiệp ngành dọc. Với tác động của tự động hóa, ước tính tỷ lệ mất việc làm ở Việt Nam từ 10 - 70% nhưng sẽ tạo ra những công việc mới.
WB đã vẽ ra bức tranh việc làm trong tương lai của Việt Nam theo hai tình huống. Tình huống thứ nhất khá giống như hiện nay, nhưng, tình huống thứ hai được các đại biểu và chuyên gia chú ý hơn cả. Nếu Việt Nam cũng đầu tư ngay từ bây giờ để đảm bảo nền kinh tế và lực lượng lao động sẵn sàng đón nhận các xu hướng lớn đang xuất hiện thì sẽ tạo ra những việc làm tốt hơn, có phạm vi đối tượng rộng hơn. Muốn vậy, báo cáo đề xuất 8 nhóm giải pháp, trong đó, tạo điều kiện cho một bộ phận DN trong nước vững mạnh tham gia vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao. Nhà nước khuyến khích DN chuyển dịch sang những công đoạn tri thức của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống nông - lượng. Đồng thời, khuyến khích ngành nông nghiệp chuyển sang các loại cây trồng có giá trị gia tăng. Cùng với việc tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể kết nối với DN vừa và nhỏ, NLĐ cần được xây dựng các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu việc làm hiện nay và sau này.