Chứng khoán 5/4:

6,5 nghìn tỷ đồng đổ vào bất động sản, VN-Index vẫn lao dốc phiên cuối tuần

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất động sản hôm nay là nhóm hút tiền nhiều nhất với gần 6,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực bán ở các nhóm ngành vẫn khiến VN-Index lao dốc.

Tiền chảy vào bất động sản

Hôm nay, thị trường giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên bởi áp lực xả hàng từ nhà đầu tư trong nước. Cuối phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.255,11 điểm, giảm hơn 13 điểm, tương đương 1,04%. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. 

Toàn thị trường có 264 mã tăng, 505 mã giảm.
Toàn thị trường có 264 mã tăng, 505 mã giảm.

Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt 29 nghìn tỷ đồng, trong đó bất động sản hút gần 6,5 nghìn tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán giảm sâu, trong đó có những mã như FTS giảm 6,73%, CTS và VDS cùng giảm hơn 6%, ORS giảm 5,33%, VCI, VIX, TVB, HCM, AGR giảm trên dưới 4%... Trong đó, VIX giảm 4% và khớp lệnh 51,52 triệu đơn vị; SSI giảm 2,3% và khớp 31,24 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ có VPB và LPB là ngược dòng tăng nhẹ, còn đa số giảm trên 1% như VCB, BID, CTG, TCB, MBB, ACB, TPB, MSB. Riêng VIB giảm trên 2%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đối mặt áp lực bán quyết liệt, nhưng bù lại xuất hiện điểm sáng từ cổ phiếu của Novaland (NVL) khi thị giá có lúc tăng trần lên 18.700 đồng/cp trước khi thu hẹp biên độ tăng về 4,6% và đóng cửa tại 18.300 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu cao su, hóa chất cũng có ngày giao dịch buồn khi DRC giảm kịch sàn, GVR giảm 4,8%, DGC giảm 2,3%, DCM giảm 3,1%, DPM giảm 2%.

Nhóm cổ phiếu sản xuất, GVR tiếp tục điều chỉnh mạnh 4,83%, các cổ phiếu cao su khác như DRC, DPR còn bi đát hơn khi đều giảm kịch sàn. Nhiều mã vốn hóa trên trung bình cũng giảm đáng kể như MSN giảm 2,04%, DGC giảm 2,37%, GEX giảm 3,1%, DCM giảm 3,11%, DPM giảm 2,07%, DBC giảm 5,71%, NKG giảm 2,78%, BMP giảm 3,36%, HSG giảm 2,59%.

Sau phiên mua ròng hôm qua, khối ngoại trở lại bán ròng 62 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó VHM là tâm điểm khi bị xả 218 tỷ đồng, PVD 106 tỷ đồng và chứng chỉ ETF FUESSVFL 105 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL được gom vào 223 tỷ đồng, MWG 100 tỷ đồng, CTG 64 tỷ đồng.

Cổ phiếu Vietnam Airlines ghi nhận tăng gần 20% trong tuần

Sau pha rút chân cuối tuần trước, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty CP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines bất ngờ được kéo hết biên độ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần qua, sau đó liên tiếp lập đỉnh mới sau 9 tháng. Khối lượng giao dịch luôn ở mức cao với trung bình hơn 4 triệu đơn vị/phiên. 5 tháng gần nhất, cổ phiếu HVN đã tăng hơn 50% - mức tăng mạnh nhất sau gần 16 tháng.

Kết thúc phiên 5/4, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục trở thành đầu kéo tích cực nhất với việc tăng 6,67% lên mức 16.000 đồng/cp, là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua. Thanh khoản HVN gần 4,6 triệu đơn vị. Diễn biến tích cực của HVN có được sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2023. 

Kết quả kiểm toán cho thấy, hãng bay đạt 92.231 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 21.400 tỷ (tức 30%) so với năm 2022. Đây cũng là con số doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của Tổng Công ty. Lợi nhuận gộp đạt 3.885 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái hãng phải ghi nhận khoản lỗ lên tới 2.876 tỷ đồng.

Được biết, kể từ ngày 1/4, chỉ còn Vietnam Airlines và VASCO thành viên liên minh của Vietnam Airlines khai thác chặng TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo. Trước đó, Bamboo Airways chính thức công bố dừng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo với lý do không hiệu quả. Nhiều người quan tâm cho rằng, có lẽ đây là một trong những lý do khiến cổ phiếu HVN tăng mạnh những ngày qua.