6 khu vực có nguy cơ ngập úng cao khi mưa lớn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 5/2018 và nhận định tình hình tháng 6/2018. Trong đó, chỉ ra 6 khu vực có nguy cơ ngập úng cao khi có mưa lớn.

Ảnh minh họa
Từ tháng 5/2018, các khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào mùa mưa, khu vực Trung Bộ vẫn tiếp tục trong mùa khô; tuy nhiên, xuất hiện mưa tiểu mãn ở một số địa phương. Nhìn chung, nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, không xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. 
Dự báo trong tháng 6/2018, riêng đối khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội): Lượng mưa phổ biến từ 60 - 180mm/tháng. Trong tháng có thể xuất hiện những trận mưa lớn nhưng không vượt 100mm/ngày tại các trạm Tam Đảo, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Sơn Tây (Hà Nội), Nho Quan (Ninh Bình). Cần đề phòng tình trạng ngập lụt, úng khi có mưa lớn xảy ra.

Trong báo cáo, Tổng cục Thủy lợi cũng chỉ ra 6 khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng cao khi có mưa lớn, trong đó, nhiều vùng có liên quan trực tiếp tới Hà Nội, gồm:

Thứ nhất, lưu vực sông Phan - Cà Lồ: Có nguy cơ ngập úng nghiêm trọng do khả năng tiêu thoát nước của sông Phan, sông Cà Lồ kém, lưu vực có nhiều khu vực thấp trũng, thời gian tập trung nước từ dãy Tam Đảo xuống hệ thống sông Phan - Cà Lồ nhanh. Với hạ tầng tiêu nước hiện tại, chỉ cần mưa 200mm trong 1 ngày, nhiều khu vực của TP Vĩnh Phúc và các huyện lân cận đã bị ngập úng nặng.

Thứ hai, hệ thống sông Nhuệ: Mặc dù hạ tầng tiêu thoát nước đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ nhưng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, ngoài ra hệ thống kênh mương dẫn nước bị bồi lấp, lấn chiếm nên một số khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng khi lượng mưa 1 ngày vượt quá 250mm. Cụ thể như, khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì.

Thứ 3, hệ thống Bắc Đuống: Các khu vực ở Đông Anh, Gia Lâm có nguy cơ bị ngập do sông Ngũ Huyện Khê có khả năng tiêu nước hạn chế và tác động của quá trình đô thị hóa nên diện tích ao hồ điều hòa của lưu vực đang ngày càng bị thu hẹp.

Thứ 4, lưu vực sông Tích - sông Bùi: Chịu tác động của lũ rừng ngang từ dãy Ba Vì, từ Hòa Bình đổ về mà không có các hồ chứa lớn để cắt lũ, ngoài ra khả năng thoát nước của sông Tích, sông Bùi kém nên khi có mưa lớn kéo dài trong 2 ngày với lượng mưa khoảng 300mm, khu vực hạ lưu thuộc Chương Mỹ, Quốc Oai có nguy cơ bị ngập.

Thứ 5, lưu vực của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, là vùng thấp, trũng thuộc các huyện phía Bắc của tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam, tiêu thoát chủ yếu bằng hệ thống trạm bơm lớn. Khi gặp mưa lớn trùng kỳ triều cường làm mực nước ngoài sông dâng cao, vượt quá mực nước cho phép bơm, việc tiêu thoát nước sẽ chậm, thường xuyên gây ngập úng.

Thứ 6, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: Ngoài phần diện tích được bơm tiêu chủ động ra sông ngoài (sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình, sông Đuống), nguy cơ ngập úng xảy ra đối với một số khu vực tiêu nước vào các sông trục nội đồng do năng lực tiêu của các cống, trạm bơm nhỏ hơn yêu cầu. Ngoài ra, cần đề phòng đối với sự an toàn của hệ thống đê sông Bắc Hưng Hải.