Ai bảo vệ trẻ trước nạn bạo hành?

Trung Anh - Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/5, ông Nguyễn Bá Minh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có chỉ đạo trước vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Trong đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu đình chỉ ngay cơ sở này, không chờ xem xét.

 Ảnh cắt từ clip vụ bạo hành trẻ em ở Đà Nẵng
Hành động vô nhân tính

Mạng xã hội đang lan truyền clip ghi lại hình ảnh một giáo viên mầm non tại nhóm lớp độc lập Mẹ Mười, (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bắt 2 bé trai cởi trần nằm ngửa dưới sàn nhà, liên tục đổ thức ăn vào miệng. Khi bé trai này khóc, người phụ nữ quăng chiếc khăn phủ lên mặt bé và đánh bôm bốp vào mặt. Bên cạnh đó, còn có nhiều hình ảnh người phụ nữ này xách một bé khác khoảng hơn 1 tuổi lên cao bằng tư thế một tay cầm phía sau đầu, một tay bịt trước mặt bé.
Ngoài ra, cũng chính người này còn có nhiều cách cho ăn hết sức dã man, như đè ngửa đầu, dùng chân ghì chặt chân cháu bé, bắt nằm ngửa ra sàn để đút thức ăn.

Sau khi clip được phát tán, dư luận vô cùng phẫn nộ và mong muốn cơ quan quản lý trả lời và có biện pháp xử lý triệt để hành vi bạo hành này. Chị Nguyễn Thanh Nga - giáo viên trường Mầm non tư thục Hoa Sen (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu đã nhận trông giữ trẻ thì phải là người có trách nhiệm, chưa kể phải có chuyên môn sư phạm, đằng này hành vi của chủ nhóm lớp cũng như các bảo mẫu tại nhóm lớp độc lập Mẹ Mười quá tàn nhẫn, không thể chấp nhận được".

Là một người mẹ có con học mầm non, chị Trần Minh Thư (Đống Đa, Hà Nội) thốt lên: "Hành động này quá dã man, một phương pháp nuôi dạy trẻ phản khoa học, phản giáo dục". Chị Thư cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ việc giáo viên này có được đào tạo, có bằng sư phạm hay không, và phải xử lý nghiêm cơ sở này. Không những thế, nhân vụ này, cần rà soát lại các cơ sở giáo dục mầm non tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. "Cứ sau mỗi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng lại ra công văn, yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý, nhưng được một thời gian, đâu lại vào đấy, bạo hành trẻ vẫn xảy ra khó kiểm soát" - chị Thư nhấn mạnh.

Là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sau khi xem clip vô cùng bức xúc: “Hành động đó không chỉ là phản sư phạm, thậm chí là vô nhân tính”. Cũng theo ông, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong xã hội hóa, có đến 40% nhà trẻ là tư thục. Đây là thế mạnh, song cũng có những tồn tại cần phải khắc phục, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thành lập trường tư thục, chất lượng giáo viên chưa được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng, nên có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, những hành động vô nhân tính.
 Trẻ em Hà Nội tham gia, đề xuất các ý kiến và được giải đáp tại diễn đàn Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhìn từ việc xảy ra liên tiếp những vụ bạo hành học sinh xảy ra thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đặt ra vấn đề cần xem lại cách thức đào tạo sinh viên sư phạm, nhất là sư phạm mầm non hiện nay. Ông cho rằng, các trường sư phạm còn đào tạo quá nặng về lý thuyết, nên giáo sinh khi ra thực tế đều kém về khả năng thực hành, xử lý tình huống sư phạm, khi gặp áp lực chỉ biết trút giận lên đầu trẻ. Ông Lâm kiến nghị cần có chính sách chăm sóc đặc biệt cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt con công nhân, người thu nhập thấp.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại khi các vụ bạo hành trẻ liên tiếp xảy ra, đặc biệt ở các cơ sở trông giữ con cho công nhân tại các khu công nghiệp. “Vì sao tình trạng này diễn ra một thời gian dài mà sao không chấm dứt được, trách nhiệm thuộc về ai?” – bà Nga nói.

Trước sự việc trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương, vì cơ quan cấp giấy phép là xã, phường đã giám sát điều kiện của giáo viên không chuẩn. Theo Bộ trưởng, trước tiên, cấp xã, phường, phòng GD&ĐT địa phương phải tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý những cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Về đề xuất lắp camera, theo Bộ trưởng Nhạ, đó cũng là một giải pháp nhưng đó chỉ là phần "ngọn", còn giải pháp căn cơ là khâu đào tạo, cấp phép và quản lý.