Ấm áp Tết sum vầy

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tiết trời giá rét những ngày cuối tháng Chạp, dù gần một tiếng đồng hồ nữa mới diễn ra chương trình “Tết sum vầy”, nhưng chị Giang Thị Thu đã bế con có mặt tại khoảng sân rộng trong khuôn viên khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh với niềm vui háo hức.

Đã thành thông lệ, “Tết sum vầy” chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn TP nhằm mang lại một cái Tết ấm áp, vui tươi cho mọi người lao động (NLĐ) sau một năm làm việc vất vả… 
Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn vơi nửa

30 tuổi, là công nhân Công ty TNHH Goko Spring Việt Nam (KCN Nội Bài), chị Thu có chồng đi làm xa từ đầu năm, một mình nuôi 2 con nhỏ, còn phải chăm sóc bố chồng bị viêm ruột nằm viện dài ngày. Là một trong hơn 500 công nhân lao động (CNLĐ) được mời đến dự “Tết sum vầy”, lại được nhận quà Tết sớm của các bác lãnh đạo TP…, chị không khỏi xúc động: “Những ngày cuối năm được động viên tinh thần thế này, tôi thấy nỗi buồn vơi hẳn, không còn nghĩ đến những lo toan thường ngày”.
 Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm, trao quà cho gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp Thăng Long.
Éo le hơn, vợ chồng anh Doãn Văn Thể (Công ty Cơ kim khí Hồng Xuân, KCN Thạch Thất) có 3 con nhỏ, trong đó đứa đầu lòng bị bại não bẩm sinh. Gia đình đôn đáo chạy chữa mấy năm liền không có hy vọng, đành chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác, qua gần 14 năm, con anh chỉ ăn nằm tại chỗ. Mỗi tháng chắt bóp chi tiêu, 5 miệng ăn cũng tốn cả chục triệu đồng, trong khi lương công nhân của anh chỉ 6 triệu đồng/tháng, cộng thêm chút thu nhập do vợ làm ruộng. “Thông cảm hoàn cảnh gia đình tôi, chị em công đoàn thường xuyên hỏi thăm. Tết năm ngoái, lãnh đạo Công ty thưởng 500.000 đồng và công đoàn hỗ trợ thêm 200.000 đồng, cùng với thưởng theo số công làm trong năm, tôi được 4,7 triệu đồng. Năm nay lại được TP tặng quà, chẳng biết nói gì hơn, tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo TP và các cấp công đoàn. Cũng mong Công ty phát triển để chúng tôi được tăng lương, thưởng, nguyện sẽ gắn bó” - anh Thể bày tỏ.

Chẳng may mắn hơn gia đình anh Thể, chị Đinh Thị Thu Thủy (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam Industries, KCN Bắc Thăng Long) cho biết: Bố mẹ cùng bị ung thư, chị cố gắng làm việc nhiều để gửi tiền về chữa bệnh cho bố mẹ, làm quá sức đến mức nhiều khi ngất xỉu vẫn phải cố. “Tôi rất xúc động được lãnh đạo TP về tặng quà, được đón Tết sớm. Công ty còn thông báo sẽ hỗ trợ tiền và quà cho tôi về quê. Được quan tâm như vậy vào những ngày sắp sang năm mới, tôi rất vui, mong công đoàn tổ chức nhiều chương trình thiết thực như vậy, là động lực để chúng tôi cố gắng làm việc” - chị Thủy chia sẻ.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến, trong những ngày năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, mỗi người Việt đều mong đoàn tụ với người thân. Và niềm mong ước ấy càng lớn hơn với những CNLĐ đã làm việc vất vả cả năm. “Thấu hiểu điều đó, sau thành công năm 2016, LĐLĐ TP tiếp tục tổ chức “Tết sum vầy 2017” cho CNLĐ các khu, cụm công nghiệp được đón Tết sớm, với nhiều tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, hỏi đáp có thưởng, thi gói bánh chưng... Bên cạnh đó là nhiều hoạt động nhân văn khác, cũng là để tổ chức công đoàn đa dạng các hình thức thiết thực chăm lo cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, tăng cường sự đồng tâm của các cấp công đoàn vì lợi ích NLĐ” - bà Tuyến chia sẻ.

Đáng mừng gần đây, không chỉ công đoàn mà cả chính quyền và chủ sử dụng lao động ngày càng nhận thức đúng về giá trị của NLĐ - tài sản quý giá nhất của mỗi DN, nên đều cố gắng chăm lo tốt hơn, nhất là cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Như bày tỏ của ông Kitajima - Tổng Giám đốc Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam: “12 năm trước, khi mới thành lập, DN gặp rất nhiều khó khăn, song với nỗ lực của từng CNLĐ, Công ty đã xây dựng được một môi trường làm việc tốt. Trân trọng biết ơn những công nhân đã ngày đêm chăm chỉ làm việc, chúng tôi hàng năm đều tổ chức nhiều sự kiện du lịch, lễ hội mùa Thu, văn hóa thể thao…; trả các phụ cấp đời sống, nhà ở, chuyên cần… cho họ”, và cũng cam kết, sẽ thường xuyên đối thoại với tổ chức công đoàn, nỗ lực hơn để mọi người cùng hợp tác, tạo ra môi trường làm việc ổn định.

Theo thống kê của LĐLĐ TP, dịp Tết Đinh Dậu này, các cấp công đoàn Thủ đô phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức rất nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, như: Tặng quà trên 2,2 vạn CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 15,2 tỷ đồng, chuẩn bị 650 chuyến xe đưa gần 2,9 vạn CNLĐ các KCN và chế xuất, cụm công nghiệp tập trung, các DN về quê đón Tết. Ngay tại "Tết sum vầy 2017", LĐLĐ TP còn trao thông báo hỗ trợ xây, sửa 65 mái ấm công đoàn, trao 3.100 suất quà của TP cho những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 28 tháng Chạp, 1.400 vé ô tô về quê đón Tết sẽ được LĐLĐ TP trao cho CNLĐ các KCN và chế xuất, Công đoàn dệt may Hà Nội với tổng số tiền 4,429 tỷ đồng…

Động lực mạnh để “giữ chân” người lao động

Trực tiếp đến thăm nhà một số CNLĐ khó khăn tại khu nhà ở công nhân Kim Chung nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017 sắp đến, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Trần Thanh Hải rất phấn khởi nhận thấy những cải thiện rõ rệt trong đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ Thủ đô. Điển hình tại khu nhà ở Kim Chung, bên cạnh những căn hộ cho công nhân độc thân thuê ở chung thì tại đây, các cặp vợ chồng CNLĐ có 1 - 2 con có thể được thuê căn hộ riêng với giá rất ưu đãi (1,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm điện, nước), trong một công trình khép kín, 2 phòng ngủ…, rất thuận tiện.
 Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long thi gói bánh chưng trong ngày hội "Tết sum vầy 2017". Ảnh: Công Hùng
Song, băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo Tổng LĐLĐ là vấn đề tiền thưởng Tết. “Đã nhiều năm gắn bó với CNLĐ, tôi hiểu mỗi dịp cuối năm, điều họ mong chờ nhất chính là tiền thưởng Tết. Để mua sắm mọi thứ cho gia đình đón năm mới, họ đều chỉ trông vào số tiền này” - ông Hải nhấn mạnh và cho rằng: Năm nay, lương tối thiểu vùng điều chỉnh bình quân chỉ 8,4%, nên việc chăm lo để ghi nhận nỗ lực của NLĐ đã vượt khó để đồng hành cùng người sử dụng lao động càng quan trọng hơn hết. Ngoài ra, chính quyền, công đoàn địa phương cần tổ chức cho những CNLĐ vì nhiệm vụ đặc thù phải ở lại nơi làm việc trong những ngày Tết, cũng sẽ được đón năm mới trong một gia đình thực sự ấm áp, đó là gia đình DN.

Và trong những mơ ước của NLĐ trước một năm mới, có lẽ giấc mơ về một chốn “an cư lạc nghiệp” vẫn là giấc mơ lớn nhất. Đúng như chia sẻ của chị Thu, tại KCN Nội Bài và nhiều KCN khác chưa có nhà cho công nhân như ở khu Kim Chung, nên nhiều CNLĐ từ quê xa ra làm việc phải thuê nhà trọ, càng khó khăn hơn với những người có gia đình, trong khi tiền lương công nhân ít ỏi. Hay như chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SEED Việt Nam (KCN Thăng Long) phản ánh: Việc công nhân chủ yếu vẫn phải thuê ở trong các khu nhà trọ dễ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Với những công nhân đã lập gia đình, có con nhỏ, rất cần được Nhà nước hỗ trợ xây những khu nhà cho thuê hoặc mua trả góp, giá rẻ để ổn định cuộc sống, chứ không thể ở chung trong những căn hộ như ký túc xá sinh viên. Kèm theo đó, rất cần có các thiết chế văn hóa như nhà trẻ, mẫu giáo, bởi hầu hết công nhân hiện phải gửi con ở trường tư, rất tốn kém. Thực tế ở xã Kim Chung, chỉ có người dân địa phương mới được đăng ký cho con học trường công lập.

“Bên cạnh hoạt động thăm hỏi, tặng nhiều phần quà động viên NLĐ dịp Tết, năm nay, vấn đề nhà ở, hỗ trợ CNLĐ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đã được đưa vào chương trình công tác của TP để chỉ đạo, đốc thúc nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NLĐ” - lời khẳng định này của Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn khi đến thăm CNLĐ các KCN&CX Hà Nội mới đây đã phần nào giúp họ phấn khởi hơn trước thềm năm mới. NLĐ vẫn đang trông chờ, với sự quyết liệt của lãnh đạo TP, sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, công đoàn và chủ sử dụng lao động, đời sống của họ sẽ được nâng cao hơn, để niềm vui trong mỗi “Tết sum vầy” được trọn vẹn.