Ẩn sau "chiêu bài" thị thực vàng của Indonesia

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra một chương trình mới cho phép những người nước ngoài giàu có ở lại Indonesia trong thời gian dài.

Doanh nhân người Mỹ Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI - công ty phát triển công cụ đình đám ChatGPT, là người đầu tiên nhận được thị thực vàng từ Indonesia. Giới quan sát đánh giá đây là một chiến thắng giành cho Tổng thống Widodo - người đã luôn khao khát thu hút đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ của ông Widodo đã đưa ra một chương trình mới cho phép những người nước ngoài giàu có ở lại quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian dài.

Theo kế hoạch mới này, những người muốn ở lại Indonesia trong 5 năm phải đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD vào một liên doanh địa phương. Ngoài ra, người ngoại quốc nào cũng có thể là nhà đầu tư thụ động, khi cam kết 350.000 USD để mua cổ phiếu của các công ty đại chúng địa phương, trái phiếu chính phủ Indonesia hoặc gửi số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm.

Không quá khó hiểu việc Indonesia tích cực tham gia vào làn sóng thị thực vàng đang bùng nổ. Lần đầu tiên sau 2 năm, tài khoản vãng lai của nước này đã rơi vào tình trạng thâm hụt, chủ yếu do xuất khẩu yếu hơn vì giá hàng hóa giảm. Để ổn định đồng rupiah, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã bán trái phiếu ngắn hạn để đẩy lợi suất lên cao.

Đối với một quốc gia từng được xếp vào Fragile Five - nhóm các quốc gia phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài để tăng trưởng, Indonesia đặc biệt nhận thức được sức mạnh của ngoại tệ và tốc độ di chuyển của dòng tiền. Tính đến nay, người nước ngoài đang sở hữu khoảng 15% trái phiếu chính phủ Indonesia.

Nhưng một câu hỏi thú vị hơn là tại sao người Mỹ lại muốn có thị thực vàng từ Indonesia, nếu không tính đến việc quốc gia này không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Rõ ràng người Mỹ không thiếu những lựa chọn hấp dẫn khác, bao gồm Bồ Đào Nha, Malta hay Montenegro.

Nhìn chung, những người tìm kiếm chương trình thị thực đặc biệt này thường muốn lên "kế hoạch B" cho bản thân. Và xét theo nghĩa này, Indonesia đặc biệt giống Mỹ, bắt nguồn từ thái độ của nước này đối với nợ nần.

Trong những tuần gần đây, các nhà đầu tư đã gia tăng bày tỏ mối quan ngại của họ đối với các khoản vay thiếu kiểm soát của Chính phủ Mỹ, trong bối cảnh xếp hạng tín dụng quốc gia bị hạ cấp.

Nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ lại không cho rằng Washington cần "thắt lưng buộc bụng". Thay vào đó, họ dự báo thâm hụt tài chính sẽ ở mức trung bình 6,1% tổng sản phẩm quốc nội trong thập kỷ tới. Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã chi 14% doanh thu thuế cho việc trả lãi ròng - mức cao nhất kể từ năm 1998.

Bloomberg dẫn lời Christopher Wood - chiến lược gia cổ phiếu của Jefferies - lưu ý: "Các nhà đầu tư dài hạn không nên sở hữu trái phiếu kho bạc nữa".

Trong bối cảnh mang tính toàn cầu này, việc mua trái phiếu chính quyền địa phương trị giá 350.000 USD có vẻ là một sự đặt cược an toàn hơn. Indonesia vẫn duy trì kỷ luật tài chính, mà có lẽ một phần không nhỏ là do dòng vốn chảy ra nước ngoài trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Chính phủ Jakarta hiện tuân thủ giới hạn tự đặt ra ở mức 3% đối với thâm hụt tài chính của mình, ngay cả khi phải trả giá bằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn - với dự báo mới nhất cho năm 2024 là 2,29% GDP.

Thái độ bảo thủ này được đánh giá là một hướng đi tương đối mới mẻ trong một thế giới tràn ngập các "đòn bẩy". Từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu đến Mỹ, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về con số nợ công khổng lồ, không rõ khi nào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện sẽ xảy ra.

Mặt khác, ở Indonesia, nợ hộ gia đình chỉ chiếm 9% GDP - khi trên thực tế, chưa đến 60% dân số trẻ (274 triệu người) có tài khoản ngân hàng.

Chính bối cảnh cân đối kế toán này đã mang đến cơ hội tuyệt vời cho các doanh nhân công nghệ muốn trở thành nhà đầu tư thụ động và tham gia vào lĩnh vực tài chính cũng như công nghệ tài chính. Đây rõ ràng là thời đại của thiết bị di động lên ngôi, khi mọi người thích sở hữu điện thoại thông minh hơn là tivi hay máy giặt.

Trong khi đó, các nền tảng truyền thông xã hội, chẳng hạn như TikTok, là những kênh có ảnh hưởng đối với Thế hệ Z (những người sinh năm 1998 trở về sau). Người Indonesia được kết nối, nhưng một mặt cũng đang được cách ly khỏi một thế giới hỗn loạn đầy nợ nần.

Và đừng quên Bali - thiên đường của lướt sóng và yoga cận nhiệt đới. Sẽ không khó để bắt gặp ở đó những người "du mục kỹ thuật số" trẻ tuổi đang gõ phím nhiệt thành trên máy tính xách tay của họ, trong các quán cà phê thời thượng.

Tất cả khiến thị thực vàng của Indonesia trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.