Áp lực nào đang chờ nữ "thuyền trưởng" trẻ tuổi của Eximbank?

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bà Đỗ Hà Phương là một trong những "thuyền trưởng" nữ trẻ nhất của hệ thống các ngân hàng vừa được bổ nhiệm. Với các cổ đông của Eximbank, điều mà họ mong chờ nhất là nữ "thuyền trưởng" sẽ đưa nhà băng này tìm lại thời hoàng kim - trở lại top đầu khối cổ phần.

Tân Chủ tịch Eximbank Đỗ Hà Phương. Nguồn: Eximbank
Tân Chủ tịch Eximbank Đỗ Hà Phương. Nguồn: Eximbank

Chân dung tân Chủ tịch Eximbank

Tân Chủ tịch Eximbank Đỗ Hà Phương, sinh năm 1984, là cử nhân kế toán tại Đại học George Mason (Mỹ), Thạc sỹ tài chính quốc tế tại Đại học Westminster (Anh), có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Bà Phương gia nhập Eximbank vào năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2 của ngân hàng này bà Phương được đề cử bởi 7 cá nhân và 4 tổ chức gồm: Công ty CP Rồng Ngọc, Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt, Công ty CP Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty TNHH M8. 

Giai đoạn từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2011, bà Phương lần lượt đảm nhiệm các vị trí tư vấn thuế, kiểm toán và tư vấn tài chính cao cấp tại Ernst & Young. Sau đó, bà làm cố vấn tài chính cho văn phòng đại diện Coffey International Development tại Hà Nội.

Tháng 12/2012, bà Phương được bổ nhiệm làm Giám đốc cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ và nhận diện rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và giữ chức vụ này tới tháng 12/2017.

Từ năm 2018 đến năm 2023, bà Phương là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners. Trước đó, tân Chủ tịch Eximbank từng tham gia phụ trách các mảng nghiệp vụ liên quan tới tín dụng, quản trị rủi ro tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Cố vấn tài chính tại Công ty TNHH Tài chính Lotus; tham gia các mảng nghiệp vụ liên quan tới kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính tại Ernst & Young Hoa Kỳ và Việt Nam.

Bà Đỗ Hà Phương (40 tuổi) là một trong những "thuyền trưởng" nữ trẻ nhất của hệ thống các ngân hàng vừa được bổ nhiệm. Với các cổ đông của nhà băng này, điều mà họ mong chờ nhất là Eximbank sẽ tìm lại thời hoàng kim - nhà băng từng đứng ở top đầu khối cổ phần.

Eximbank đang hoạt động như thế nào?

Eximbank đi vào hoạt động từ ngày 17/01/1990 với số vốn điều lệ đăng ký là 50 tỷ đồng (tương đương 12,5 triệu đô la Mỹ tại thời điểm thành lập ngân hàng), và là một trong những ngân hàng TMCP được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một trong những thành viên trong khối ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất.

Hiện, Eximbank tiếp tục tập trung đặt trọng tâm đẩy mạnh kinh doanh theo hướng chuyển đổi số và đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số; duy trì và phát triển nền tảng khách hàng; phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số; cải tiến các quy định nội bộ trong hoạt động  tín dụng tại Hội sở và đơn vị kinh doanh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả; tiếp tục sắp xếp, cải tạo, xây dựng, mở rộng phát triển mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước nhằm đưa thương hiệu Eximbank đến gần khách hàng hơn.

Báo cáo tài chính Eximbank Quý I/2023. Nguồn: Eximbank
Báo cáo tài chính Eximbank Quý I/2023. Nguồn: Eximbank

Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022; Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11%; Dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 12,3%; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,5%.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của Eximbank đạt trên 900 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỉ đồng được đưa ra đã được HĐQT của Eximbank tính toán kỹ dựa trên dự báo tình hình kinh tế khó khăn và có phương án thực hiện tối thiểu.

Tân nữ chủ tịch và những áp lực đang chờ đón

Từng là một trong những ngân hàng TMCP được thành lập đầu tiên tại Việt Nam, và là một trong những thành viên trong khối ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất với sức tăng trưởng trên 70%, tuy nhiên, năm 2012, cuộc khủng hoảng nợ xấu, thanh khoản và rủi ro… xảy ra với hệ thống ngân hàng nói chung, khiến Eximbank cũng như nhiều ngân hàng khác rơi vào khó khăn phải tái cơ cấu.

Đặc biệt, trong gần 1 thập kỷ qua, Eximbank cũng trải qua nhiều sự thay đổi, nhất là vấn đề nhân sự. Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank đã diễn ra nhiều năm và chưa ngã ngũ, với nhiều lần đổi vị trí chủ tịch, thậm chí có những lần diễn ra trong chốc lát, xuất phát từ những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. Gắn với biến động chủ tịch, năm ngoái, nhà băng này ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục triệu cho tới cả trăm triệu cổ phần.

Trước đó mới đây, cơ quan Thanh Tra giám sát ngân hàng của NHNN đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) về công tác quản trị, điều hành. Theo đó, cơ quan này yêu cầu Chủ tịch và các thành viên HĐQT Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đúng pháp luật và điều lệ hoạt động của ngân hàng một cách trung thực, cẩn trọng. Đặc biệt là việc quản trị, điều hành, an toàn hoạt động, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm. Nguyên nhân mà NHNN có văn bản trên là do một số nhóm cổ đông yêu cầu HĐQT họp bất thường ngày 21/6 để bầu mới chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Tuy nhiên, cuộc họp này bất thành vì không đủ số lượng các thành viên tham dự theo quy định.

Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Nguồn: Eximbank
Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Nguồn: Eximbank

Cổ phiếu Eximbank, theo giới quan sát, đang được thế chấp gần như toàn bộ để đảm bảo cho các khoản vay ở nhiều các ngân hàng và công ty chứng khoán, trừ số cổ phần Eximbank do ngân hàng Vietcombank sở hữu (dưới 5%). Trong bối cảnh NHNN vừa trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi một số điểm của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có chỉnh sửa theo hướng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, việc thanh kiểm tra dòng tiền đầu tư cổ phiếu Eximbank của các nhóm cổ đông lớn là cần thiết. 

Sự xuất hiện của tân chủ tịch Đỗ Hà Phương khiến nhiều cổ đông kỳ vọng, Eximbank sẽ sớm ổn định và kiện toàn bộ máy; tạo nên sự đoàn kết và đưa nhà băng này từng bước trở lại thời hoàng kim cách đây 10 năm.

Đóng cửa phiên sáng 29/6, giá cổ phiếu của Eximbank (EIB) là 21.200 đồng, tăng 1,49% so với phiên hôm qua.