Cải cách hành chính tại Hải quan tỉnh Lào Cai:

Bài 1: Hướng tới chuyên nghiệp hoá – hiện đại hoá

Duy Anh
Chia sẻ Zalo

Thực hiện Kế hoạch của Tổng cục Hải quan về việc chuyển đổi số ngành Hải quan, ngành Hải quan tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số, góp phần xây dựng cơ quan Hải quan chính quy, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trụ sở Cục Hải quan tỉnh Lào Cai.
Trụ sở Cục Hải quan tỉnh Lào Cai.

Những thách thức cho ngành Hải quan tỉnh Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Việt Nam cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 265 km theo đường bộ. Phía đông giáp tỉnh Hà Giang; phía tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu; phía nam giáp tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với hơn 182,086 km đường biên giới (trong đó: Đường biên giới trên sông là 131,654 km và đường biên giới trên đất liền là 50,432 km). Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai.

Nằm trên địa bàn tỉnh có cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là một trong ba cửa khẩu quốc tế có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới đất liền giữa hai nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) tỉnh Lào Cai được hình thành với diện tích hơn 60 km2, bao gồm các phường, xã: Lào Cai, Cốc Lếu, Duyên Hải, Phố Mới, Kim Tân, Vạn Hòa, Đồng Tuyển thuộc thành phố Lào Cai và thôn Na Mo xã Bản Phiệt thuộc huyện Bảo Thắng. Hoạt động giao lưu kinh tế thương mại qua cửa khẩu và đầu tư vào Khu KTCK không ngừng phát triển.

Cũng chính vì vậy mà hoạt động của ngành Hải quan trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và xa hơn là nước Việt Nam ta.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tháng 1/2020, đến cuối năm 2022, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia luôn kiên trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cả ở trong nước và với nước ngoài theo chính sách “Zero Covid”. Việc thông quan tại cửa khẩu biên giới do đó cũng ảnh hưởng.

Đến năm 2023 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Do đó cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu trong việc phát triển ngành Hải quan của tỉnh trong việc thực hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan và đã tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số, góp phần xây dựng cơ quan hải quan chính quy, hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Ngành hải quan có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thương mại qua biên giới.
Ngành hải quan có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thương mại qua biên giới.

Xây dựng kế hoạch bài bản

Thực hiện Kế hoạch của Tổng cục Hải quan về việc chuyển đổi số ngành Hải quan, triển khai Hệ thống công nghệ thông tin mới trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

Từ đầu năm 2023, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã quán triệt, triển khai Quyết định số 105/QĐ-TCHQ ngày 19/01/2023 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 187/KH-HQLC ngày 08/02/2023 về cải cách hành chính năm 2023.

Từ đó, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch số 1077/KH-HQLC ngày 20/6/2023 về chuyển đổi số của Cục Hải quan tỉnh Lào Cai năm 2023 nhằm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyển đổi số nêu tại Quyết định số 1105/QĐ-TCHQ ngày 22/5/2023 của Tổng cục Hải quan và Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai. 

Kế hoạch đã xây dựng 09 nhiệm vụ cụ thể gồm: Chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ Hải quan; Chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan và các nhiệm vụ khác.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nghiệp

Để công tác chuyển đổi số có thể được thực hiện hiệu quả, phát huy tối đa tiềm lực, việc đầu tiên cần làm chính là cần chuyển biến, nâng cao nhận thức, tính tự giác của cán bộ, công chức, doanh nghiệp. 

Hiểu rõ được vấn đề này, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, về mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Triển khai đến các đơn vị thuộc, trực thuộc các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Lào Cai về chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh; Tăng cường quán triệt, phổ biến đến cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị tại các buổi họp đơn vị về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó tích cực tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, về mô hình hải quan số, hải quan thông minh; Phân công cán bộ, công chức tham gia ý kiến vào các dự thảo chương trình, kế hoạch của Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Lào Cai về chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, triển khai cửa khẩu số tại cửa khẩu Lào Cai. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã tham gia ý kiến 08 văn bản, cử 20 lượt cán bộ, công chức tham gia các chương trình phổ biến, đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh.

Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, của các doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về Hải quan.