Thuốc lá và những hệ hụy khôn lường:

Bài 1: Nguy cơ trẻ hóa bệnh lý tim mạch, ung thư

Thanh Bình - Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, đặc biệt đang có xu hướng gia tăng nhanh trong giới trẻ do lạm dụng thuốc lá.

Hàng loạt bệnh do hút thuốc lá

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã tiếp nhận nam bệnh nhân 64 tuổi (Long biên, Hà Nội), làm nghề xây dựng, hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm. 3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng có lẫn nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ.

Sau khi đi khám, phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ phát hiện tế bào lạ nghi ngờ ác tính, kết quả nội soi khí phế quản khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phổi, X-quang phổi cho thấy, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch. Mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn. Bệnh lý ung thư phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá.

Bệnh sẽ được điều trị tốt nếu được phát hiện sớm, phẫu thuật sớm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng và tiếp xúc với thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý nói chung và bệnh ung thư phổi nói riêng.

Hiện nay, số người trẻ hút thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khỏe.
Hiện nay, số người trẻ hút thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khỏe.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh lý mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong và nằm viện kéo dài hàng đầu. Nguyên nhân thường gặp do hậu quả của hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.

Hay hồi cuối tháng 7/2023, ông H. (66 tuổi, Bắc Giang), đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phát hiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Bệnh nhân được nhập viện, chụp động mạch vành phát hiện hẹp khít đoạn đầu động mạch liên thất trước, được can thiệp kịp thời, đặt 1 stent qua đoạn hẹp, sau đặt bệnh nhân ra viện ổn định.

Ông H. cho biết, ông có tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá khoảng 25 năm, không có bệnh lý mạn tính, không khó thở khi gắng sức, không đau tức ngực, không có rối loạn nhịp tim. Ông không nghĩ mình bị bệnh nghiêm trọng như vậy trước khi đi khám, kiểm tra sức khỏe.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nguyên nhân bệnh lý động mạch vành của bệnh nhân là do hút thuốc lá gây ra.

Đối với những người có nguy cơ cao như hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, có các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tuổi trung niên trở lên… cần thường xuyên đi khám, kiểm tra sức khỏe, ít nhất một lần một năm.

Đồng thời, làm các xét nghiệm cận lâm sàng kiểm tra về tim mạch, hô hấp để phát hiện sớm bệnh lý nguy hiểm, tránh để quá muộn, có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT Hồ Hồng Hải cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm (bệnh tim, đột quỵ, ung thư, bệnh phổi, tiểu đường, rối loạn tâm thần...).

Trong đó, nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tác nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.

Đối với các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: Môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối, và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động... là yếu tố nguy cơ phổ biến.

Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.
Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.

Chia sẻ một con số đáng báo động về bệnh không lây nhiễm, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, trên toàn thế giới ước tính có hơn 14 triệu ca tử vong sớm (trước 70 tuổi) vì các bệnh không lây nhiễm.

Con số này chiếm đến 43%, gần một nửa tổng số tử vong do bệnh không lây nhiễm. Các nước đang phát triển chiếm gánh nặng chính của các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó có Việt Nam.

Đề cập đến vấn đề này, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu lên tới 4,5 tỷ USD. Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, giảm năng suất lao động, mà còn là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như ung thư, tim mạch, ước tính mỗi năm gây ra 60.000 ca bệnh.

Chưa có sản phẩm nào gây ra tỷ lệ tử vong cao như thuốc lá

Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Theo Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20%. 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì hiện nay đã tăng trung bình 15%/năm.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, thì nay đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực TP bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.

Lý giải về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay, trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên thế giới và đang có xu hướng “trẻ hóa” người mắc loại bệnh đặc biệt nguy hiểm này.

Việc người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, nghiện đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, ít vận động, thức khuya… sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi.
Việc người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, nghiện đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, ít vận động, thức khuya… sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.

Thông thường, tuổi tác vẫn là yếu tố dự báo nguy cơ ung thư lớn nhất. Có khoảng 90% các loại ung thư ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và một nửa ảnh hưởng đến những người trên 75 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, bệnh nhân ung thư đang ngày càng “trẻ hóa”.

Trong tất cả loại ung thư thường gặp ở nước ta, ung thư gan hiện đứng đầu về cả tỷ lệ mắc và tử vong. Sau ung thư gan, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca, cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm, ở cả 2 giới.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, qua thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy, tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn.

Điều đáng nói, tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu tăng lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới. Nếu như trước đây, các bác sĩ chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi là nam giới, thì nay, đã có bệnh nhân dưới 40 tuổi là nữ giới.

Nêu nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho hay, có 3 tác nhân gây ung thư chính, bao gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…); tác nhân hóa học (hóa chất sử dụng trong công nghiệp, phẩm nhuộm…); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống.

Khám tầm soát ung thư phổi miễn phí cho người dân tại lễ phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi.
Khám tầm soát ung thư phổi miễn phí cho người dân tại lễ phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi.

“Việc người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, nghiện đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, ít vận động, thức khuya… sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi” - bác sĩ Nam phân tích.

Cũng theo Bệnh viện K, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó có 90% là ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc....

Ngoài ra, lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư. Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như: Ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tụy, ung thư vú sau mãn kinh….

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú. Riêng ung thư phổi, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 26.000 ca mắc mới và 23.000 ca tử vong.

Tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới gấp 3 lần ở nữ giới. Cứ 100.000 người dân Việt Nam thì có 36 nam giới và 12 nữ giới được chẩn đoán mắc ung thư phổi.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.

Theo Thứ trưởng, có đến 75% người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp. Trong khi đó, những người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến 65-90%.

Số liệu từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy, người hút thuốc có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với người không hút. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, người không hút cũng hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%.

Điều tra toàn cầu về thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2020 cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3% và 1,7% ở nữ giới là khá cao, và đặt ra những thách thức cho việc dự phòng ung thư phổi.

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, thực tế tại Việt Nam cho thấy, hiện nay giá thuốc lá còn rất rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá có sẵn trên thị trường… mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp lên thuốc lá quá thấp. Hiện nay chưa có sản phẩm nào gây ra tỷ lệ tử vong cao như thuốc lá.

Để phòng, chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, bệnh không lây nhiễm bằng các biện pháp, cần bỏ thuốc lá. Bởi lẽ, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.

 

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy), đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.