Phát triển công nghiệp văn hóa - cơ hội cho làng nghề Hà Nội

Bài cuối: Kinh nghiệm để làng nghề sáng tạo, bứt phá

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhedothi - Trên thế giới, nhiều làng nghề đã kết hợp những kinh nghiệm, bí quyết từ làng nghề truyền thống với công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, độc đáo, đa dạng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

Số hóa và ứng dụng công nghệ

Ngành công nghiệp gốm sứ ở Stoke-on-Trent (một TP ở miền Trung nước Anh) bắt đầu vào giữa thế kỷ XVII một cách khiêm tốn. Tuy nhiên, với sự dồi dào của than và đất sét địa phương, ngành công nghiệp này nhanh chóng phát triển và giúp TP trở thành thủ phủ gốm sứ xứ sở sương mù.

Vào năm 1956, lò nung thủ công bị buộc phải thay bằng lò nung gas và điện, ngành gốm sứ nói chung và làng nghề Stoke-on-Trent nói riêng đã suy giảm mạnh. Từ chỗ có hơn 300 thợ gốm đầu thế kỷ XX, TP chỉ còn lại một phần nhỏ đến ngày nay. Để gìn giữ, chính quyền địa phương đã nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân và đưa các tiết học về gốm sứ đến lứa tuổi học sinh từ sớm. Ngày nay, những người đến từ Stoke-on-Trent được coi là có "đất sét trong huyết quản".

"Đây không phải là câu hô hào theo nghĩa đen mà là về mặt cuộc sống, tình cảm. Người Stoke-on-Trent va chạm với vật chất đã hình thành nên TP của họ. Những người dân địa phương đến Stoke mang theo niềm tự hào về TP và di sản của họ" - Phó Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới Kevin Murray nêu kinh nghiệm bảo tồn nghề làm gốm tại Stoke-on-Trent.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Từ kinh nghiệm của Stoke-on-Trent, ông Kevin Muray cho rằng công cuộc bảo tồn làng nghề phải bắt đầu càng sớm càng tốt, đồng thời lấy những nghệ nhân làm trung tâm, làm chủ thể và cũng là đối tượng hướng tới.

Mặc khác, cho rằng quá trình số hóa và áp dụng công nghệ mới là xu hướng quan trọng trong sản xuất tại làng nghề giúp bảo tồn, duy trì truyền thống và di sản làng nghề, tạo sự kết nối giữa truyền thống, di sản và thế hệ trẻ, GS Claus (Đại học Lund, Thụy Điển) đưa ra một số những giải pháp để sáng tạo những sản phẩm làng nghề như: thu hút thế hệ trẻ quan tâm đến làng nghề bằng cách tạo ra những sản phẩm có gam màu sáng hơn; truyền cảm hứng qua những câu chuyện của sản phẩm, tạo ra cơ hội việc làm cho người trẻ.

Đồng thời, cần áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quá trình sản xuất, lồng ghép công nghệ vào làng nghề: số hóa, giúp gia tăng trải nghiệm và quá trình sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khuyến nghị những thế hệ trẻ học hỏi những kỹ năng của những nghệ nhân, bảo vệ di sản văn hóa. Đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo tính bền vững, chiến lược thiết kế dài hạn.

 

 

Sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ với người trong độ tuổi lao động mà còn cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dẫn, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

 

“Tuy nhiên, để duy trì sự hấp dẫn của làng nghề và thu hút sự tham gia của giới trẻ, cần đặt câu hỏi về việc duy trì kỹ năng truyền thống của nghệ nhân trong bối cảnh công nghệ ngày càng tiến bộ, trong đó cần có sự linh hoạt và chiến lược thiết kế dài hạn để không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn phát triển sản phẩm theo hướng mới" - GS Claus - Đại học Lund (Thụy Điển) cho hay.

Phát huy giá trị làng nghề

Trong bối cảnh hiện nay, việc “tích hợp đa giá trị” của các làng nghề ngày càng quan trọng vì tại đây không chỉ có sản phẩm thô được bán ra mà còn có những sản phẩm trải qua sơ chế, chế biến, những sản phẩm trải qua bàn tay tài hoa của thợ thủ công, kết tinh giá tị về văn hóa, truyền thống, môi trường của các làng nghề.

Mục tiêu “tích hợp đa giá trị” được các tổ chức quốc tế đối tác quốc tế quan tâm như Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) với khu bảo tồn cộng đồng đi cùng phát triển khu vực ven biển; chương trình của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) hỗ trợ cụ thể cho các làng nghề phát triển ngành nghề, sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cho người dân khu vực, hướng tới xây dựng làng hạnh phúc cho người dân. Chương trình của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hay Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hướng tới nâng cao năng lực, kết nối thị trường, tích hợp đa giá trị nhưng luôn dựa trên nền tảng bảo tồn giá trị tinh hoa, dựa trên sức mạnh tự lực, tự cường, kích thích tinh thần sáng tạo của người dân

Theo Giám đốc Thương mại điện tử, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) Inga Toal: 76% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Come Home được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thương hiệu này sẽ tiếp tục làm việc với nhãn hàng, nhà cung cấp, làng nghề để mang đến kệ bán nhiều sản phẩm hơn nữa trong năm 2024 và kết nối người tiêu dùng tới nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam. Mặc dù các nghệ nhân làng nghề, công xưởng của Việt Nam có chuyên môn tốt và sự chuyên nghiệp cao nhưng cần có một chiến lược marketing tốt hơn để đưa các sản phẩm của làng nghề Việt Nam ra thế giới và tiếp cận gần gũi hơn tới người tiêu dùng.

Mặt khác, ở nhiều làng nghề, du lịch vẫn là lĩnh vực còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, du lịch không chỉ là nguồn thu nhập mới mà còn là cơ hội để chia sẻ câu chuyện đằng sau những sản phẩm thủ công tinh tế. Việc kết hợp giữa việc bảo tồn truyền thống và tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách giúp làng nghề không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để thúc đẩy giá trị gia tăng cho làng nghề thông qua du lịch, cần bắt kịp xu hướng số hóa hiện đại mà các ngành nghề khác cũng đang áp dụng mạnh mẽ.

Trưởng tư vấn kỹ thuật Tổ chức Cứu trợ Phát triển Quốc tế (FIDR) tại Việt Nam Trần Thị Thu Oanh cho biết, tổ chức đã triển khai thành công dự án bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu, tại tỉnh Quảng Nam, vào năm 2007 - 2012 trên quy mô 60 hộ.

Kế thừa thành công này, FIDR đã phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cho nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, từ năm 2021, tổ chức đã thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp nông thôn với 100.000 hộ trên toàn tỉnh Quảng Nam. Qua quá trình làm dự án, bà Trần Thị Thu Oanh nhìn nhận, để bảo tồn làng nghề truyền thống cần thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Cụ thể là thông qua các cách vận hành nhóm hoạt động, HTX, các dịch vụ marketing, tài chính, kế toán, kiến thức, kỹ năng về công nghệ.

"Mỗi thế hệ có một vai trò trong gìn giữ làng nghề. Người lớn tuổi có kinh nghiệm, kỹ năng và giữ vai trò hướng dẫn. Người trung niên chủ yếu sẽ vận hành và điều hành các mô hình sản xuất. Còn người trẻ có kỹ năng, tiếp cận với những xu thế mới" - Bà Trần Thị Thu Oanh chia sẻ.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề và xây dựng nông thôn mới, đó là quản lý di sản sống dựa vào cộng đồng. Theo đó, cần tôn trọng cách diễn giải, chuyển tải và tái hiện quá khứ của cộng đồng; tạo dựng sự công bằng, bình đẳng trong quá trình đưa ra quyết định liên quan đến sự tham gia của nhiều bên; và khả năng để có được những quyết định đáng tin cậy từ những thành viên có uy tín đối với cộng đồng.

 

 

Du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang là một xu hướng mới. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD; tỷ lệ tăng hằng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc

 

Cần thiết quản lý trên cơ chế trao quyền và tương tác với cộng đồng chủ thể để kiểm soát, bảo vệ và chia sẻ các quan niệm của người dân về di sản và thúc đẩy theo cách của riêng họ trên cơ sở tôn trọng pháp luật về di sản; tương tác với cộng đồng để cùng thực hiện các chính sách về di sản và nông thôn mới.