Bài học về xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội trong những ngày đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu sự biến đổi về chất: Phong trào cách mạng Việt Nam đi từ tự phát đến tự giác; về ý thức, giai cấp công nhân đi từ tự mình đến cho mình.

Sự giác ngộ có tính chất cách mạng ấy được lan tỏa trong giới cần lao ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Giữa lòng Hà Nội, chưa đầy 2 tháng sau khi Đảng ra đời, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hoàn Kiếm), cơ sở cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội được hình thành. Ban Chấp hành lâm thời được thành lập, đồng chí Đỗ Ngọc Du - Bí thư Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội đến cuối tháng 4/1930. Tháng 6/1930, đồng chí Trần Văn Lan triệu tập cuộc họp tại số nhà 177 Hàng Bông chính thức thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội. Tại đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ được cử làm Bí thư đầu tiên, trải nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ Hà Nội đã trở thành lực lượng nòng cốt cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 
Một cuộc mít tinh tại Hà Nội tháng 8/1945. (ảnh tư liệu)
Một cuộc mít tinh tại Hà Nội tháng 8/1945. (ảnh tư liệu)
 Tiếp đó, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của T.Ư Đảng, Đảng bộ cùng quân, dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu giam chân địch trong 60 ngày đêm để T.Ư Đảng và Chính phủ an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ thực tiễn những ngày khói lửa, đầy gian khổ, hy sinh ấy, có thể rút ra những bài học quý báu về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội và những bài học ấy còn đậm giá trị cho hôm nay.

Vững vàng về tư tưởng

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô đã phải tiến hành cuộc đấu tranh khi mềm dẻo, khi quyết liệt chống giặc ngoài, trấn áp thù trong nhằm giữ vững chính quyền, bảo vệ các cơ quan của Đảng, Chính phủ. Với vị trí Thủ đô của đất nước, Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng tăng cường công tác giáo dục chính trị cho đảng viên và quần chúng, với sự tham gia của các báo cáo viên là Xứ ủy viên như các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Trân, Trần Doanh Tuyên hoặc các Thành ủy viên như Đỗ Đức Kiên, Khuất Duy Tiến. Tài liệu cơ bản chủ yếu là: Cộng sản sơ giải, Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; 5 bước công tác của đoàn thể cứu quốc: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh.

Được giáo dục và rèn luyện trong thời kỳ đầy thử thách của "ngàn cân treo sợi tóc", cán bộ, đảng viên của Đảng bộ ngày càng thêm vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh về hành động. Tư tưởng vì độc lập dân tộc, sẵn sàng hy sinh phục vụ Nhân dân được đảng viên của Đảng bộ quán triệt xuyên suốt trong nhận thức và hành động. Một đặc điểm riêng hết sức quan trọng của Đảng bộ thời kỳ này là đa số đảng viên ở nội, ngoại thành có trình độ học vấn, lại đã được rèn luyện từ trong nhà tù và trong thực tiễn của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám. Do đó, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ chính quyền, các chiến sĩ cộng sản vừa có năng lực và học thức, vừa tràn đầy nhiệt huyết cách mạng của tuổi thanh xuân, đã vươn lên đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân, làm tròn vai trò dẫn dắt cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo vệ thành quả cách mạng.

Thống nhất trong lãnh đạo

Sau Hội nghị quân sự toàn quốc (19/10/1946), cả nước gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Ở Hà Nội, công tác chuẩn bị cán bộ, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền từ khu VI xuống các cấp cơ sở được thực hiện ngay trong tháng 11/1946. Để thống nhất sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và chính quyền về một mối trong hoàn cảnh thời chiến, Khu XI, Liên khu, 17 khu phố nội thành và 5 khu ngoại thành đều theo mô hình chung: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ (sau 19/12/1946 đổi thành Ủy ban Hành chính kháng chiến). Các đồng chí Khu ủy viên Khu XI, Liên Khu ủy viên của 3 Liên khu I, II, III, đảng ủy viên của 5 khu ngoại thành trực tiếp phụ trách các đoàn thể cứu quốc ở địa phương mình. Các ban chuyên trách tham mưu cho cấp ủy và ủy ban hành chính kháng chiến từ khu XI xuống các khu nội, ngoại thành. Do cách bố trí và sử dụng cán bộ theo phương pháp tổ chức chặt chẽ, tinh gọn, thống nhất từ trên xuống dưới cơ sở, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và dân Thủ đô. Nhân tố làm nên thắng lợi là sự thống nhất lãnh đạo của tổ chức Đảng từ cơ sở.

Sau ngày 19/8/1945, chính quyền TP được tổ chức và hoạt động công khai nhưng tổ chức Đảng không ra công khai. Thành ủy lấy danh nghĩa Thành ủy Việt Minh (sau đó là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác) để hoạt động.

Từ tháng 8/1945 - 5/1946, chi bộ ở các khu phố nội thành và các làng, xã ngoại thành đều là chi bộ ghép vì có ít đảng viên;...

Từ tháng 5/1946, TP chia lại địa giới hành chính cũ, tổ chức thành 17 khu phố nội thành và 5 khu ngoại thành. Tháng 11/1946, thành lập các liên khu ủy của Khu phố I, II, III. Chi bộ của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn về sinh hoạt theo các liên khu ủy của địa bàn. Lúc này, tổng số đảng viên toàn Đảng bộ có khoảng 400 đảng viên. 17 khu phố nội thành và 5 khu ngoại thành đều có chi bộ. Trong chiến đấu, nhiều đồng chí trưởng thành trong "lửa thử vàng" và được kết nạp Đảng ngay sau trận đánh. Đến 17/2/1947, toàn Đảng bộ có 511 đảng viên.

Nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu

Mặc dù số lượng đảng viên còn ít ỏi, nhưng mỗi đảng viên đều nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, mỗi chi bộ đã thật sự là hạt nhân tổ chức, lãnh đạo đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để giữ vững chế độ dân chủ Nhân dân, bảo vệ Đảng và Chính phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Sức chiến đấu của chi bộ Đảng chính là sự thống nhất ý chí và hành động của đảng viên dưới ngọn cờ vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc mà mỗi đảng viên đã một lòng tin tưởng, trung thành với Đảng và Nhân dân.

Những bài học về thống nhất tư tưởng để hành động trong toàn Đảng bộ, về vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở vẫn mang ý nghĩa thời sự cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng. Hà Nội sau gần 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế - xã hội từng bước tăng trưởng, vượt qua những thách thức của suy thoái kinh tế thế giới; dáng vóc Thủ đô đã đổi thay khá nhiều; chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững; hội nhập quốc tế ngày được mở rộng. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mà Đảng bộ Hà Nội đang đối mặt là vấn đề xây dựng văn hóa Thủ đô và con người Thăng Long - Hà Nội, đến nay vẫn phải tiếp tục được coi là trọng tâm của sự phát triển. Phát huy sự thống nhất tư tưởng và ý chí hành động, thống nhất vai trò lãnh đạo các tổ chức Đảng cơ sở, hy vọng Đảng bộ Hà Nội sẽ giành được thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, góp phần cùng cả nước đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.