Bản giao hưởng từ trái tim!

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu Hà Nội không chỉ mê đắm lòng người bởi cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp với những góc phố trải đầy lá vàng rơi mà nơi này còn níu chân du khách bởi những giá trị tinh thần ẩn sâu trong mỗi mốc son lịch sử.

Bản giao hưởng từ trái tim! - Ảnh 1
Đến Hà Nội, nghi lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình là trải nghiệm không thể bỏ qua. Tranh minh họa: Khánh Ngọc

Khi chớm thu cũng là lúc nhắc nhớ các thế hệ về âm hưởng hào hùng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử năm ấy! Năm tháng có dần trôi nhưng dư vị của ngày Quốc khánh 2/9 mãi là bản giao hưởng đẹp nhất trong lòng người dân Việt Nam.

Đặc biệt ngày này cũng là dịp mà mọi người dân hướng về giá trị thiêng liêng của hai tiếng Tổ quốc. Bởi vậy mà nghi lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày 2/9, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam càng trở lên đặc biệt và xúc động.

Vì vậy, nếu có dịp đến Hà Nội nhiều người mong muốn được trải nghiệm lễ thượng cờ; đây cũng là cơ hội để mỗi người có những giây phút nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi vậy, nghi lễ thiêng liêng này đã trở thành khoảnh khắc mà nhiều người dân Thủ đô và du khách đón đợi để được chứng kiến.

Kể từ ngày 19/5/2001, khi lễ thượng cờ bắt đầu được thực hiện như một nghi lễ quốc gia tại Quảng trường Ba Đình. Với mùa hè, đúng 5h45, người dân sẽ thấy đoàn lễ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếng nhạc hào hùng của bản Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho.

Đội hình thực hiện lễ thượng cờ gồm 37 chiến sĩ: Dẫn đầu là Quân kỳ Quyết thắng do 3 đồng chí trong đội Hồng kỳ làm nhiệm vụ mang lá cờ và thượng cờ; 34 đồng chí tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Họ thực hiện nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc vào thời khắc bình minh tươi đẹp mở đầu một ngày mới.

Ngay sau hiệu lệnh chào cờ, Quốc ca Việt Nam hào hùng vang lên và lá cờ được chiến sĩ đội Hồng kỳ dần thả ra, được kéo lên từ từ cho tới khi bài Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ được kéo lên cao nhất trên cột cờ cao 29m, tung bay bên Lăng Bác Hồ.

Đứng dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng mai, giây phút ấy những ai tham dự đều không khỏi xúc động, tận đáy lòng mình trào dâng cảm xúc biết ơn những thế hệ đi trước đã dành trọn thanh xuân phụng sự cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Do đó, dịp lễ 2/9 hàng năm là ngày đặc biệt để mỗi người dân Việt Nam có giây phút được lắng lại, nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nghi lễ thượng cờ mừng Quốc khánh 2/9 trong mỗi người đều trào dâng niềm tự hào, gợi lên bao cảm xúc trong ngày hội lớn của đất nước. Nếu có dịp đến Hà Nội, ngoài việc khám phá những điểm đến, những đặc sản nổi tiếng thì rất nhiều người muốn dành thời gian để trải nghiệm lễ thượng cờ thiêng liêng. Đã có những người dân bật khóc vì xúc động... bởi cuối cùng đã thực hiện được mong muốn một lần được đứng dưới bóng cờ lộng gió cảm nhận cho hết cái không khí của tự do và hòa bình.

Ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng là lời nhắc nhở mỗi thế hệ luôn ghi nhớ và biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống để Tổ quốc có được nền độc lập, để biết trân quý giá trị của hòa bình.

Trong giây phút thiêng liêng thượng cờ, từ người lớn đến trẻ nhỏ trên khu vực Quảng trường Ba Đình đều tự giác dừng mọi hoạt động, hướng về phía cột cờ để nghi lễ được thực hiện trang trọng. Điều đó cũng là lời khẳng định, không chỉ thế hệ hôm qua mà lớp con trẻ hôm nay cũng luôn trân quý những giá trị mà lịch sử cha ông để lại, bởi đó là mạch nguồn của sự sống, lòng biết ơn và tự hào dân tộc.

Và từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người, Hà Nội cứ đẹp tươi với những sắc màu, thanh âm, đan cài hòa trộn để tạo lên những rung cảm, trở thành bản giao hưởng dịu êm mà da diết khiến mỗi người dù gắn bó với nơi đây hay chỉ là đôi lần đến với Hà Nội luôn bị níu giữ bởi những yêu thương đong đầy!