Băn khoăn tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận ở hội trường, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. 
Theo dự thảo Luật (Khoản 1, điều 4), DN nhỏ và vừa bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong 2 tiêu chí: Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; Doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). Ảnh: Phạm Hùng
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề nghị không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để chọn, vì tiêu chí nguồn vốn chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối và không phản ánh thực chất việc phân loại DN.

Ví dụ, có một số DN vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng nhưng tổng vốn huy động để sản xuất kinh doanh nhỏ hơn 100 tỷ đồng do vốn điều lệ không cấp đủ theo quy định mà DN phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động.

“Như vậy, chỉ tiêu này luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng. Do đó, đề nghị nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn. Ngoài tiêu chí lao động thì chỉ nên xác định thêm tiêu chí doanh thu là phù hợp”, đại biểu Giang nêu quan điểm.

Theo Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), dự thảo luật quy định tiêu chí về DN nhỏ và vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề và đáp ứng một trong 2 tiêu chí tổng nguồn vốn của năm liền kề hoặc doanh thu của năm liền kề. Nhưng thực tế nhiều DN có vốn chủ sở hữu rất thấp, chủ yếu là vốn vay, vốn huy động khác, từ đó sẽ mang tính rủi ro rất cao trong sản xuất kinh doanh.

Quy mô vốn từng lĩnh vực có khác nhau ở các lĩnh vực như nông nghiệp sẽ khác với xây dựng cũng như dịch vụ. Do đó, tiêu chí xác định nên quy định DN nhỏ và vừa ngoài quy định tổng vốn đầu tư của năm liền kề không quá 100 tỷ đồng, cần quy định thêm vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30%. Đồng thời, tiêu chí lao động, tổng nguồn vốn hoặc doanh thu của năm liền kề nên quy định theo từng lĩnh vực khác nhau.

Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tổng kết, các đại biểu cơ bản đồng tình với việc lựa chọn 3 tiêu chí, đó là tiêu chí về lao động, vốn, doanh thu và dự thảo luật chỉ quy định mức trần của các tiêu chí, tiêu chí cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bỏ tiêu chí về vốn, chỉ cần 2 tiêu chí là lao động và doanh thu. Cũng có ý kiến là nếu quy định cứng quá các tiêu chí trong luật thì sẽ khó trong thực hiện, nên căn cứ vào nguồn lực của nhà nước trong từng thời kỳ mà quy định tiêu chí. Có ý kiến quy định DN phải chấp hành luật, nhất là những luật về vấn đề bảo vệ môi trường, các luật khác thì mới được hỗ trợ. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.