BCI - thước đo giá trị doanh nghiệp thời hội nhập

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc phân tích, đánh giá 21 tiêu chí tài chính liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán, BCI là thước đo giá trị cho mỗi DN, để DN tự biết “sức khỏe” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, căn cứ vào chỉ số BCI, các DN cũng dễ dàng lựa chọn được đối tác, các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư phù hợp.

Những yếu tố tạo nên năng lực
Tại chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp - BCI" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/12, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco chia sẻ, phát triển bền vững là chiến lược hoạt động bền bỉ của Công ty, từ các sản phẩm xanh đến các tiêu chí trong sản xuất. Chiến lược này đã mang lại lợi thế lớn, giúp thương hiệu được khẳng định và tạo uy tín cho Traphaco. Do đó có thể nói, điểm cạnh tranh đỉnh cao của DN là cạnh tranh bằng thương hiệu và phát triển bền vững.

Cũng theo bà Vũ Thị Thuận, ngay trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Traphaco vẫn đạt mức tăng trưởng 12%. Ngoài việc xây dựng vùng trồng nguyên liệu để chủ động sản xuất, Traphaco còn chú trọng vấn đề con người, thậm chí thuê cả đơn vị quản trị riêng để phát huy những giá trị cốt lõi, coi đây là sức mạnh nội lực, là sức đề kháng của DN để ứng phó với những rủi ro. Bên cạnh đó, việc thích nghi với bối cảnh mới cũng là bài học kinh nghiệm giúp DN vượt qua khủng hoảng. Đó là khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Traphaco đã nghiên cứu cho ra đời bộ sản phẩm chống dịch. Những sản phẩm này đã đóng góp 7% doanh thu cho Công ty trong 10 tháng qua.
 Trao chứng nhận TOP 50 DN niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất năm 2019. Ảnh: Hoàng Quyết
Còn tại Viettel Post, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, minh bạch hóa sẽ giúp DN hoạt động tốt hơn, trong đó cần áp dụng giao khoán công việc và số hóa mọi hoạt động. Hiện tại, Viettel Post đang đi theo hướng minh bạch hóa từ thông tin, dịch vụ, cách thức cung cấp sản phẩm đến người sử dụng. Từ năm 2009, Công ty đã thực hiện cổ phần hóa và lên sàn, được thị trường đánh giá rất cao, thông qua việc giá cổ phiếu ở mức tốt. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ có cách nhìn khác về DN khi DN thực sự minh bạch. Đồng thời, minh bạch hóa cũng giúp nội bộ DN hoạt động tốt hơn. Viettel Post có thể điều hành từ cấp cao nhất đến các cấp địa phương với hơn 22.000 nhân viên ở khắp 63 tỉnh thành, giúp việc quản trị trở nên sâu sát. “Trước kia, cán bộ, nhân viên kiến nghị phải qua các cấp, nhưng nay có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cao nhất và giải quyết mọi vấn đề nhanh chóng” - ông Sơn chia sẻ.

Về lĩnh vực logistics, Viettel Post cũng đều công bố ra ngoài các thông tin công khai giúp khách hàng tiếp cận sớm, hỗ trợ khách hàng tối đa và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Theo ông Sơn, các DN Việt Nam cần áp dụng điều này để vận hành tốt hơn.

Đây chỉ là 2 trong số các DN lọt vào TOP 50 DN niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất năm 2019, kết quả của chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp - BCI" do VCCI tổ chức. Ngoài việc chọn ra TOP 50 DN niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất, chương trình còn chọn ra TOP 15 DN niêm yết có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong 3 năm liên tiếp.

Đa dạng và chính xác hơn

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, BCI là chương trình được triển khai thường niên từ năm 2013 trên cơ sở khảo sát, đánh giá 21 tiêu chí tài chính liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh và các yếu tố thị trường, sản phẩm, cạnh tranh của gần 1.600 DN niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam, thuộc 32 lĩnh vực kinh tế, với phương pháp đánh giá toàn diện, đảm bảo kết quả chính xác và khách quan. Kết quả phân tích, đánh giá và xếp hạng là cơ sở quan trọng để VCCI tham khảo trong việc phân tích, đánh giá, phát triển và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các DN Việt Nam, qua đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những cơ chế chính sách phù hợp, giúp xây dựng đội ngũ DN phát triển vững mạnh, ổn định, đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.

Bên cạnh đó, thông qua kết quả khảo sát mà VCCI cung cấp, các DN cũng nắm được tình hình “sức khỏe” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là kết quả thẩm định năng lực DN giúp các đối tác, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.

Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các chỉ số khảo sát, đánh giá của chương trình BCI đã được nhiều bộ, ngành, các tổ chức, ngân hàng, các cơ quan quản lý tham khảo phục vụ cho hoạt động của mình. Những năm tiếp theo, VCCI sẽ chỉ đạo các đơn vị mở rộng phạm vi khảo sát, ngoài sàn chứng khoán còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa, các tiêu chí bình chọn cũng đa dạng và đầy đủ, chi tiết hơn để kết quả đánh giá hoạt động của các DN được ngày càng chính xác và khách quan.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các DN cần tiếp tục có các giải pháp vượt qua khó khăn, khẳng định năng lực cạnh tranh và giá trị bền vững của mình. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển DN, các DN không thể hoạt động theo mô hình cũ mà cần phải thay đổi trên mọi phương diện, từ minh bạch hóa thông tin đến ứng dụng công nghệ cao trong vận hành. Đặc biệt với phương thức quản trị, cần xuất phát từ tiền đề phát triển bền vững trên cơ sở 3 yếu tố: Kinh tế, con người và môi trường. Ngoài ra, yếu tố văn hóa DN cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tiếp theo là yếu tố cạnh tranh bằng năng lực, muốn hội nhập phải hoàn thiện công nghệ và các chuẩn mực. Cuối cùng là yếu tố con người, đặc biệt là người đứng đầu, cần thay đổi trong vai trò của người dẫn đầu để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, văn hoá DN sâu sắc hơn...

Còn theo TS Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch Hội Các nhà Quản trị DN Việt Nam, Covid-19 đã khiến DN toàn cầu nói chung và DN Việt Nam nói riêng cần phải định hình lại mình. Hiện, Việt Nam có gần 1 triệu DN và trước tác động của Covid-19, nhiều DN đã chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí phá sản. Do đó, để quản trị DN tốt, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay, các DN cần định hình lại ba trụ cột lớn: Quản trị chiến lược, quản lý tài chính, quản trị marketing. Các DN cần làm bài toán quản trị ra sao để có thể giảm thiểu tác động từ Covid-19. Theo đó, các DN, nhà quản lý cần tập trung vào quản trị rủi ro, định vị lại phương pháp tiếp cận thị trường, định vị lại phương pháp chiến lược vốn.

"Bên cạnh chương trình “Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương (PCI)” mà hàng năm VCCI đã công bố thì chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp - BCI” cũng sẽ là thước đo không thể thiếu của nền kinh tế, là “hàn thử biểu” của cộng đồng DN Việt Nam, phục vụ hữu ích cho công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập trong giai đoạn hiện nay." - Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc


"Đã qua rồi thời “cá lớn nuốt các bé”, đến nay xu hướng là “cá nhanh nuốt cá chậm”. DN cần thay đổi cấu trúc để trở nên linh hoạt và thích ứng nhanh hơn. Theo đó, DN sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất." - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Austrailia) - TS Phan Long