Bê tông hóa đình Lương Xá, Ứng Hòa: Xây xi măng không phải chắc chắn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau các bài phản ánh liên tiếp (ra ngày 31/7 và 1/8) trên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng bê tông hóa đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), các chuyên gia di sản, mỹ thuật đã đồng loạt lên tiếng phản đối vi phạm này. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng xóa sổ đình Lương Xá là một bài học lớn trong công tác quản lý di tích ở Hà Nội.

Từng sở hữu nhiều bức chạm khắc hiếm có
Hình ảnh đình Lương Xá trước khi bị bê tông hóa được lưu lại không nhiều. Tuy nhiên, theo một vài bức ảnh cận cảnh các mảng chạm khắc do nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chụp được từ năm 2016 thì hoa văn trang trí ở đây được đánh giá đạt độ đỉnh cao của kiến trúc thế kỷ thứ XVII. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Mảng chạm mèo ăn cá rất hiếm. Nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia cũng không sở hữu được những bức chạm giá trị như ở đình Lương Xá.
Đình Lương Xá đang bị bê tông hóa. Ảnh: Linh Anh
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình và nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam đều ngao ngán cho hành động của một số người đã bức tử ngôi đình có giá trị di sản. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, hạ giải đình như kiểu dỡ nhà thì không còn phương pháp nào cứu chữa. Bởi các hạng mục đều được dỡ tung, mà không có sự kiểm kê, đánh dấu, đánh giá giá trị. Đó là chưa kể, sau khi hạ giải, công nhân vứt chỏng chơ các cấu kiện, các bức chạm khắc như những khúc gỗ bỏ đi. Chỉ có hoành phi câu đối được bảo quản trong nhà văn hóa, nhưng đó không phải là những hiện vật giá trị nhất.

Trao đổi với ông Phạm Tự Khải – Trưởng thôn Lương Xá, đại diện Ban Khánh tiết đình Lương Xá được biết, trước khi tháo dỡ, đình xuống cấp nặng, có nguy cơ đổ sập; nếu tu sửa bằng vật liệu gỗ thì có thể cần hơn 10 tỉ đồng. Chính vì vậy chính quyền địa phương và Nhân dân thống nhất hạ giải xây bê tông trên nền đất cũ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, chuyện thiếu vốn tu bổ có rất nhiều di tích gặp phải. Tuy nhiên, tu bổ di tích chất liệu gỗ không có nghĩa là phải làm tất cả bằng gỗ. “Có những đình sử dụng bê tông ở một số hạng mục nhưng rất đẹp. Điều quan trọng là khi hạ giải phải có nghiên cứu, đánh giá, cái nào có giá trị lớn về mặt di sản thì phải bảo vệ, giữ gìn chứ cứ tháo xuống rồi xây bê tông thì quá đơn giản” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cho biết.

“Cấp cứu” di sản thế nào?

Theo trình bày của một số cán bộ thôn, xã khi “sự đã rồi”, đình đã bị bê tông hóa thì sau khi dựng đình bằng xi măng cốt thép, các kỹ sư sẽ tận dụng các chi tiết cũ còn đẹp, sử dụng được ốp vào các mặt của ngôi đình. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng nếu làm thế là sự phản cảm. “Đã là kết cấu kiến trúc phải gắn với cụ thể công năng kiến trúc.
Những mảng chạm có giá trị tồn tại trước khi đình Lương Xá bị hạ giải.
Giá trị của các bức chạm phải gắn với công năng của đình. Bà con cho rằng đình bê tông có thể tồn tại được vài trăm năm là nhầm lẫn” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh. Ông Bình cho rằng với tình trạng vi phạm của đình Lương Xá không còn cách nào cứu đình. Ngôi đình 300 tuổi chính thức bị xóa sổ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy chỉ ra rằng, còn một cách duy nhất cấp cứu các giá trị của di tích này là đưa các chi tiết, bức chạm có giá trị về Bảo tàng Hà Nội để lưu giữ trưng bày. Tuy nhiên, dù gì thì theo PGS Nguyễn Văn Huy, hành động bức tử ngôi đình cũng là một bài học lớn của Hà Nội trong quá trình quản lý di sản.

Ngoài ra, các chuyên gia còn đề xuất Hà Nội nên xem xét lại việc phân cấp quản lý di tích cho cán bộ cấp xã. Bởi bài học nhiều nơi cho thấy, sự kém hiểu biết và bất chấp các quy định của cán bộ xã đã tiếp tay cho những hành động phá hoại di sản. Hơn nữa, việc kêu gọi xã hội hóa ở đình Lương Xá đã biến thái về bản chất. “Xã hội hóa phải giải thích, thuyết phục giáo dục di sản không có nghĩa là bổ đầu, áp đặt bắt buộc. Làm như đình Lương Xá là hiểu sai khái niệm. Xã hội hóa phải tùy tâm, cần huy động từ lao động trí tuệ, lao động sức lực rồi mới đến đóng góp nhân lực tài chính” – PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, thành viên Hội đồng di sản quốc gia cho biết. Quá trình tu bổ đình Lương Xá đang ở trong tình trạng vi phạm chồng vi phạm.