Từng sở hữu nhiều bức chạm khắc hiếm có
Hình ảnh đình Lương Xá trước khi bị bê tông hóa được lưu lại không nhiều. Tuy nhiên, theo một vài bức ảnh cận cảnh các mảng chạm khắc do nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chụp được từ năm 2016 thì hoa văn trang trí ở đây được đánh giá đạt độ đỉnh cao của kiến trúc thế kỷ thứ XVII. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Mảng chạm mèo ăn cá rất hiếm. Nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia cũng không sở hữu được những bức chạm giá trị như ở đình Lương Xá.
Đình Lương Xá đang bị bê tông hóa. Ảnh: Linh Anh |
Giá trị của các bức chạm phải gắn với công năng của đình. Bà con cho rằng đình bê tông có thể tồn tại được vài trăm năm là nhầm lẫn” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh. Ông Bình cho rằng với tình trạng vi phạm của đình Lương Xá không còn cách nào cứu đình. Ngôi đình 300 tuổi chính thức bị xóa sổ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy chỉ ra rằng, còn một cách duy nhất cấp cứu các giá trị của di tích này là đưa các chi tiết, bức chạm có giá trị về Bảo tàng Hà Nội để lưu giữ trưng bày. Tuy nhiên, dù gì thì theo PGS Nguyễn Văn Huy, hành động bức tử ngôi đình cũng là một bài học lớn của Hà Nội trong quá trình quản lý di sản.Ngoài ra, các chuyên gia còn đề xuất Hà Nội nên xem xét lại việc phân cấp quản lý di tích cho cán bộ cấp xã. Bởi bài học nhiều nơi cho thấy, sự kém hiểu biết và bất chấp các quy định của cán bộ xã đã tiếp tay cho những hành động phá hoại di sản. Hơn nữa, việc kêu gọi xã hội hóa ở đình Lương Xá đã biến thái về bản chất. “Xã hội hóa phải giải thích, thuyết phục giáo dục di sản không có nghĩa là bổ đầu, áp đặt bắt buộc. Làm như đình Lương Xá là hiểu sai khái niệm. Xã hội hóa phải tùy tâm, cần huy động từ lao động trí tuệ, lao động sức lực rồi mới đến đóng góp nhân lực tài chính” – PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, thành viên Hội đồng di sản quốc gia cho biết. Quá trình tu bổ đình Lương Xá đang ở trong tình trạng vi phạm chồng vi phạm.