Bệnh thành tích lây lan

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, bệnh thành tích đã ăn sâu trong ngành giáo dục. Và giờ căn bệnh thành tích đã lây lan từ giáo dục sang rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quản lý văn hóa, cụ thể là di sản. Chính vì vậy, không thiếu những chuyện đại kỷ lục múa xèo Thái, hay kỷ lục 5.000 người hát quan họ rồi đến khái niệm vinh danh, tôn vinh, danh mục quốc gia thành văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2013, múa xòe lập Kỷ lục Việt Nam với 3.000 người tham dự
Lý do của việc sai khái niệm, một phần nguyên nhân từ việc chuyển tải ngôn ngữ dịch, nhưng một phần nữa cũng là bệnh ưa thành tích, thích xếp hạng của người Việt.
Từng có câu chuyện, địa phương vì mong muốn di tích đình chùa mình được xếp hạng cấp quốc gia (thay vì cấp tỉnh, TP như hiện có) đã chạy mọi cửa, nâng mọi tiêu chuẩn hồ sơ để được chấp thuận. Tiền chi phí lo tăng xếp hạng lên đến vài trăm triệu đồng nhưng rồi đến vòng xét duyệt cuối vẫn bị trượt. Hỏi các cụ bô lão trong làng, chùa lên cấp quốc gia để làm gì? Các cụ bảo để khách xa đến chơi làng còn hãnh diện khoe. Thế nhưng, tiền chạy xếp hạng thì kêu gọi được người dân ủng hộ, còn tiền tu sửa di tích thì kêu mãi được vài triệu đồng. Để rồi, sau cuộc đua danh hiệu, chùa sập mất một góc mái mà không thể tu sửa.
Câu chuyện chạy tôn vinh không chỉ có ở một làng, một xã mà còn diễn ra ở nhiều nơi có di sản. Trong khi thế giới quan tâm đến bảo tồn giá trị cốt lõi của di sản, ở Việt Nam vẫn chuộng danh hiệu. Các chuyên gia từng dẫn dụ, một cụm từ mà UNESCO không bao giờ dùng nhưng lại được sử dụng thường xuyên ở Việt Nam, đó là UNESCO “vinh danh” hay “tôn vinh” (honors). Cách dùng này có vẻ như không vi phạm tinh thần của Công ước, mặc dù có thể gây nhầm lẫn. Mục đích của việc ghi danh không phải là vinh danh/tôn vinh nhưng vinh danh/tôn vinh có thể là một kết quả tự nhiên của việc ghi danh. Đó có thể là việc sau “ghi danh” và là việc của cộng đồng sở hữu di sản. Ở Việt Nam, còn có tình trạng “danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể” bị hiểu sai lệch thành “danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Những lỗi diễn đạt như vậy không chỉ xuất hiện trên truyền thông đại chúng mà còn trong các nghiên cứu học thuật, thậm chí cả trong các văn kiện và trang web của Chính phủ.
Quan họ, hát then, cồng chiêng Tây Nguyên… là di sản xếp loại thế giới hay xếp loại quốc gia, cấp tỉnh cũng chỉ là quan niệm trong cách gọi, với người Việt nó thể hiện tính oai. Nhưng việc “ghi danh vào danh sách” với việc “công nhận ở cấp độ quốc tế” và hiểu đúng việc UNESCO “ghi danh” không nhằm thay thế sự công nhận của cộng đồng liên quan, cũng không liên quan việc “vinh danh” hay “tôn vinh”.