BHXH Hà Nội: Triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với định hướng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, định hướng của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH Hà Nội đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN trên địa bàn Hà Nội.

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP cũng như bám sát chỉ đạo của UBND TP, BHXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai một cách nghiêm túc, đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Đến nay, đối với 25 bộ thủ tục hành chính (TTHC) do BHXH Việt Nam ban hành, BHXH Hà Nội đã triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả.

BHXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai một cách nghiêm túc, đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
BHXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai một cách nghiêm túc, đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

BHXH TP thường xuyên rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi những TTHC không phù hợp theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các tổ chức, DN và người lao động.

Đẩy mạnh cắt giảm TTHC nhằm, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về tham gia và hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị, DN.

Việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo 3 hình thức. Đó là giao dịch trực tiếp tại bộ phận “Một cửa” cơ quan BHXH, giao dịch hồ sơ điện tử (File điện tử và chữ ký số, đơn vị có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần) và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thường xuyên thực hiện truy cập, tra cứu, xử lý kịp thời những phản ánh kiến nghị về chính sách BHXH, BHYT trên hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia. Cùng với đó, BHXH TP đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả tốt. Từ việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đã tiết giảm được chi phí hành chính cho các đơn vị sử dụng lao động. Đơn cử như chi phí đi lại để nộp và nhận hồ sơ, chi phí giấy tờ... tạo điều kiện cho cán bộ viên chức cơ quan BHXH tập trung vào công tác chuyên môn giải quyết các TTHC nhanh hơn.

Đến nay, có trên 99,32% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; những đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ Bưu chính, chủ yếu là các đơn vị sử dụng lao động có số lượng lao động dưới 10 người.

Trong công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính BHXH TP đã phối hợp với Bưu điện xây dựng kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “một cửa điện tử” của BHXH TP. Lượng hồ sơ nhận và gửi tăng nhanh, việc tiếp nhận và quyết toán giữa BHXH TP với Bưu điện đảm bảo nhanh chóng và thuận tiện.

Công dân Thủ đô đầu tiên thực hiện thành công hồ sơ  liên thông thẻ BHYT với đăng ký khai sinh trên dịch vụ công trực tuyến.
Công dân Thủ đô đầu tiên thực hiện thành công hồ sơ  liên thông thẻ BHYT với đăng ký khai sinh trên dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, BHXH TP cũng tiến hành triển khai thực hiện thống nhất toàn TP 52/63 TTHC mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Ngành BHXH và 13/63 TTHC mức độ 4 trên Cồng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết: 12.625.331 hồ sơ, tăng 284.080 hồ sơ tương đương tăng 2,22% so với năm 2020; tỷ lệ hồ sơ chậm muộn 1,26 %.

Năm 2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết 15.746.376 hồ sơ, tăng 3.121.045 hồ sơ tương đương tăng 24,7% so với năm 2021; tỷ lệ hồ sơ chậm muộn 0,98%.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết: 7.253.577 hồ sơ, giảm 1.450.594 hồ sơ tương đương giảm 16,7 % so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ hồ sơ chậm muộn 0,55%.

Triển khai ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số mang lại hiệu quả tích cực

BHXH TP phân công cán bộ, viên chức phụ trách, hỗ trợ các đơn vị, DN cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Đồng thời, BHXH TP chủ động phối hợp với các trường học đưa nội dung để các giáo viên hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh cài ứng dụng VssID tại các buổi học trực tuyến.

Đến nay, toàn TP có 4.057.387 người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số.

Nhờ BHXH Việt Nam quan tâm đầu tư nên các trụ sở làm việc của BHXH TP và các quận, huyện, thị xã cơ đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho người dân và DN đến giao dịch làm việc.

Tại Văn phòng TP và BHXH các quận, huyện, thị xã đều trang bị hệ thống mạng LAN, WAN hoàn chỉnh, hạ tầng mạng luôn thông suốt với băng thông rộng kết nối từ BHXH Việt Nam đến BHXH quận, huyện.

Tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, bệnh nhân có thể KCB BHYT có nhiều sự lựa chọn như thẻ bệnh nhân, CCCD gắn chip, thẻ BHYT ở 10 cửa tiếp đón.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, bệnh nhân có thể KCB BHYT có nhiều sự lựa chọn như thẻ bệnh nhân, CCCD gắn chip, thẻ BHYT ở 10 cửa tiếp đón.

Mỗi cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ được trang bị 1 máy vi tính được kết nối mạng và các thiết bị ngoại vi để làm việc. Tại 31 đầu tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH đều được trang bị camera giám sát, máy xếp hàng tự động; niêm yết công khai các TTHC, đường dây nóng, hòm thư góp ý, thời hạn giải quyết, trả kết quả.

BHXH TP đã phối hợp các sở, ngành thực hiện 4/25 TTHC kịp thời, theo quy định. Tính đến hết hết tháng 8/2023 thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 48.304 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí đối với 424 trường hợp.

Đến nay có 184 lượt giao dịch gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 24.638 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, việc xác thực dữ liệu căn cước công dân (CCCD) với thẻ BHYT đã có 6.747.659 người có thẻ BHYT trên địa bàn TP đã được đồng bộ có thể sử dụng CCCD để đi KCB. BHXH TP phối hợp với ngành Y tế về cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe theo Đề án 06 cấp 69.829 trường hợp; giấy chứng sinh cấp 23.195 trường hợp; giấy báo tử 301 trường hợp.

Thời gian tới, BHXH Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06; hoàn thiện quy định, đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của CCVC, NLD trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số.

BHXH Hà Nội kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao trình độ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân sự thực hiện Đề án 06; tăng cường CCHC, cải tiến quy trình, đơn giản TTHC, tiếp tục cung cấp DVC trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, DN; kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm xây dựng ngành BHXH Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.