Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ: Tránh tình trạng hành chính hóa trong hoạt động công đoàn

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, LĐLĐ TP phải chủ động, năng động và sáng tạo hơn nữa trong hoạt động; cán bộ công đoàn phải lăn lộn với thực tiễn, hòa quyện với cuộc sống của người lao động; tránh tình trạng hành chính hóa trong hoạt động công đoàn...

Chiều 2/6, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Lao động TP về công tác phong trào công nhân viên chức, hoạt động công đoàn Thủ đô thời gian qua và nhiệm vụ thời gian tới. Tham dự cuộc làm việc có Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.
Hỗ trợ 61.971 người bị ảnh hưởng do Covid-19
Theo báo cáo, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 26 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ TP với tổng số 8.760 CĐCS và 610.841 đoàn viên.
5 tháng đầu năm 2020, các các cấp công đoàn Thủ đô có nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đã có 4.204 đơn vị, DN bị ảnh hưởng với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm. Trong đó, có 1.049 DN đã phải tạm dừng hoạt động. 
Thấu hiểu những khó khăn của DN, người lao động, LĐLĐ TP Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Trong đó, LĐLĐ TP trích từ nguồn ngân sách Công đoàn TP và “Quỹ Xã hội Công đoàn” hỗ trợ 3.226 trường hợp đoàn viên công đoàn thuộc các CĐCS Khối DN sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các cấp Công đoàn TP đang tiếp tục tập hợp công nhân viên chức lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm để đề xuất TP, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP có các hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống...
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố.
Năng động, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, LĐLĐ TP đã bám sát quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy; chủ động ký kết phối hợp công tác với UBND TP để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. “Nhờ làm tốt chức năng này mà tình hình lao động và quan hệ lao động của Thủ đô giữ được ổn định; không để xảy ra đình công, lãn công, đây là một nỗ lực lớn” - Bí thư Thành ủy ghi nhận.
Bí thư Thành ủy cũng đánh giá, LĐLĐ TP đã quan tâm, thực hiện tốt việc chăm lo cho công nhân lao động trong dịp Tết thông qua các chương trình như: “Tết sum vầy”; thăm và tặng quà cho người lao động; tổ chức những chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết... Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Thông qua hoạt động này cũng giúp thực hiện tốt hơn chức năng chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, LĐLĐ TP bám sát hơn các luật, chủ trương của Đảng, TP trong lĩnh vực công tác công đoàn, nhất là phải quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với tổ chức công đoàn. Cùng với đó, LĐLĐ TP phải chủ động, năng động và sáng tạo hơn nữa trong hoạt động; cán bộ công đoàn phải lăn lộn với thực tiễn, hòa quyện với cuộc sống của người lao động; tránh tình trạng hành chính hóa trong hoạt động công đoàn.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, LĐLĐ TP phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp, các ngành, người sử dụng lao động để duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Quan tâm hơn đến hoạt động của khối công đoàn viên chức để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là trong cải cách hành chính và thực hiện quy tắc ứng xử, tránh “virut trì trệ”.