Biểu tình lan rộng tại Mỹ
Kinhtedothi - Hàng nghìn người tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, bao gồm việc trục xuất người nhập cư, sa thải hàng loạt trong bộ máy chính phủ, cũng như hai cuộc xung đột tại Gaza và Ukraine.
Ngày 19/4, tại Quảng trường Lafayette, phía trước Nhà Trắng, người biểu tình mang theo các biểu ngữ như: “Công nhân phải có quyền lực,” “Chúng tôi không cần vua,” “Ngừng viện trợ vũ khí cho Israel” và “Phải có quy trình pháp lý đầy đủ.” Nhiều người khác giương cao cờ Palestine, hô vang “Tự do cho Palestine,” thể hiện sự ủng hộ với thường dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Dải Gaza.
Một số người biểu tình cũng thể hiện sự ủng hộ Ukraine, mang theo biểu tượng phản đối chiến tranh và kêu gọi chính quyền Mỹ có lập trường mạnh mẽ hơn trước các hành động quân sự của Nga.
Họ cũng bày tỏ lo ngại trước những chính sách mới của ông Trump, cho rằng những gì ông đang làm là phớt lờ pháp luật, bất tuân hiệu lực pháp lý của Tòa án Tối cao. Nhiều cư dân kêu gọi Quốc hội vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “lạm quyền tổng thống” đang ngày càng rõ rệt.
Đặc biệt là đối với việc chính quyền của ông Trump sử dụng Đạo luật Kẻ thù Ngoại quốc (Alien Enemies Act) từ năm 1798 để trục xuất hàng trăm người Venezuela bị cáo buộc là thành viên băng đảng, dù không có bằng chứng rõ ràng. Kế hoạch này đã bị Tòa án Tối cao tạm thời ngăn chặn để đảm bảo quyền xét xử của người bị ảnh hưởng.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: Detroit Free Press
Ông Marshall Green, cư dân New Jersey, phát biểu: “Quốc hội phải lên tiếng. Chúng ta không ở trong tình trạng chiến tranh. Ông ấy không thể viện dẫn đạo luật này để trục xuất người mà không cho họ quyền được xét xử hợp pháp. Mọi người ở đất nước này đều có quyền đó.”
Một số cuộc biểu tình lấy khẩu hiệu "Không có vua", phản đối việc tổng thống lạm quyền. Ông George Bryant, cư dân Boston, nói: “Ông ấy bất chấp tòa án, bắt giữ sinh viên, phá hủy hệ thống kiểm soát - cân bằng quyền lực.”
Từ Connecticut, bà Melinda Charles bày tỏ lo ngại về sự lấn át của nhánh hành pháp: “Chúng ta có ba nhánh quyền lực độc lập. Việc nhánh hành pháp đang áp đảo hai nhánh còn lại là điều không thể chấp nhận được.”
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, bên cạnh việc đưa ra một loạt biện pháp thuế quan cứng rắn, Tổng thống Trump cũng đã ban hành loạt chính sách thắt chặt nhập cư và cắt giảm mạnh hệ thống công. Hơn 200.000 nhân viên liên bang bị sa thải; nhiều cơ quan chính phủ bị giải thể. Chính quyền cũng ra lệnh đóng cửa các văn phòng địa phương của Cơ quan An sinh xã hội, cắt giảm ngân sách y tế và hạn chế chính sách bảo vệ người chuyển giới.
Song song đó, chính quyền của ông Trump còn bắt giữ hàng loạt sinh viên quốc tế, đe dọa cắt tài trợ liên bang đối với các trường đại học có chương trình về đa dạng, công bằng, môi trường và các hoạt động ủng hộ Palestine. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích những chính sách này là vi phạm quyền con người.
Đây không phải cuộc biểu tình đầu tiên nhằm phản đối chính quyền mới của nước Mỹ. Đầu tháng 4, hơn 1.200 cuộc biểu tình mang tên “Hands Off!” đã được tổ chức trên toàn quốc, do hơn 150 tổ chức khởi xướng, bao gồm các nhóm nhân quyền, công đoàn, tổ chức LGBTQ+, hội cựu chiến binh,... nhằm phản đối các hành vi mà họ cho là vi phạm quyền công dân và Hiến pháp.
Đồng minh của ông Trump, tỷ phú Elon Musk cũng vướng phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng, với hơn 150 cuộc biểu tình nhằm phản đối vai trò của ông Musk trong Nhà Trắng.
Xem thêm: "Trump" và "Musk", hai cái tên gây nhức nhối cho nhiều người dân Mỹ

Thị trường toàn cầu tiếp tục hỗn loạn vì "liều thuốc" thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo trong cơn sóng gió kinh tế chưa từng thấy trong ngày 7/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ rõ kiên định với các biện pháp thuế đối ứng toàn diện mà ông gọi là "liều thuốc" để sửa chữa cán cân thương mại.

Thuế quan bổ sung của ông Trump có hiệu lực, kinh tế toàn cầu chao đảo
Kinhtedothi - Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục rung chuyển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp dụng đợt thuế quan bổ sung nhắm vào hàng chục quốc gia, trong đó Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế lên tới 104%.

Những yếu tố chi phối quyết định xoay chuyển thuế đối ứng của ông Trump
Kinhtedothi - Quyết định tạm dừng các mức thuế đối ứng với hầu hết quốc gia hé lộ những áp lực dữ dội từ thị trường trái phiếu, sự bất ổn nội bộ và những cuộc đối thoại kín khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thay đổi suy nghĩ.