Bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan trước dịch bệnh: Tác dụng kép

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng hóa đầy ắp trên các kệ của siêu thị, cửa hàng, đại lý… các chợ truyền thống nhu yếu phẩm dồi dào, giá cả ổn định, người dân được thoải mái lựa chọn là những gì đã và đang diễn ra tại Hà Nội và nhiều tỉnh, TP trong những ngày qua. Để có được sự yên bình này khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương đã nỗ lực hết mình trong chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào đáp ứng tốt mọi nhu cầu và hơn hết đó là tạo niềm tin cho người dân yên tâm phòng, chống dịch.

Các kệ bán thịt lợn, thịt gà đã được bổ sung đầy ắp ngay trong sáng 8/3. Ảnh: Phương Nga
Trước đó, ngày 7/3, khi bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 được công bố, người dân đã đổ ra các siêu thị, chợ vét sạch hàng hóa gây tâm lý hoang mang không đáng có. Nguy hại hơn, nếu không giữ ổn định thị trường sẽ gây tâm lý hoang mang trong người tiêu dùng. Chưa kể, việc tập trung đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ sẽ tạo ra nhiều không gian lây truyền nhiễm hơn (trong trường hợp có người mắc mà không biết). Mặt khác, việc này vô tình tiếp tay cho nhiều gian thương trục lợi bất chính.
Điều đáng mừng là tình trạng trên không diễn ra được lâu khi Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, ngành công thương lập tức triển khai các phương án, yêu cầu các DN bổ sung hàng hóa kịp thời. Cùng với đó, thị trường cũng được lực lượng chức năng giám sát chặt, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để mua vét, mua gom, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng. Lãnh đạo TP cũng khẳng định, dù nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng đột biến nhưng nguồn cung hàng hóa tại siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi khi xảy ra dịch Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa thêm 30 - 40% so với ngày thường và DN cũng đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với tháng 2. Tất cả các giải pháp này ngay lập tức đã phát huy tác dụng giúp bình ổn thị trường, yên lòng người tiêu dùng khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Chưa hết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp phòng chống dịch diễn ra ngay sau đó đã nhấn mạnh tinh thần: Hiểu rõ, hiểu đúng, hành động đúng, bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, không để đội ngũ phòng chống bệnh, đội ngũ quản lý cách ly hay người dân tại khu vực cách ly bị khó khăn, bị thiếu thốn hay có tâm lý hoang mang, mệt mỏi. Thủ tướng cũng khẳng định, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các phương tiện khác đã được chuẩn bị đầy đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tập đoàn tư nhân chuẩn bị lượng hàng hóa cần thiết để bình ổn thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá...
Đến thời điểm này có thể thấy, Chính phủ đã có tính toán và lên rất nhiều kịch bản phòng chống dịch trong đó có nội dung đảm bảo nguồn cung trong thị trường. Và tất cả các kịch bản, giải pháp đã và đang phát huy tác dụng làm yên lòng người dân. Do đó, mỗi người dân cần tỉnh táo trong phòng, chống dịch, nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng trước mọi tình huống có thể xảy ra từ đó sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.