Bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn diễn tập khoe hàng khủng

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tập trận ba bên có sự tham gia của máy bay ném bom B-1B của Mỹ cùng các chiến đấu cơ từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hoa Kỳ đã điều động một máy bay ném bom tầm xa tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày 20/12 nhằm phô trương sức mạnh trước Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, động thái này diễn ra vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 18/12.

Máy bay ném bom của Mỹ được máy bay chiến đấu của Hàn Quốc hộ tống trong một cuộc tập trận chung trên không trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Yonhap  
Máy bay ném bom của Mỹ được máy bay chiến đấu của Hàn Quốc hộ tống trong một cuộc tập trận chung trên không trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Yonhap  

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) cho biết cuộc huấn luyện ba bên diễn ra ngoài khơi đảo Jeju phía nam Hàn Quốc, nhằm tăng cường năng lực phản ứng chung của các nước trước mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Theo JCS, cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom B-1B của Mỹ cùng máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến bay của B-1B là lần thứ 13 một máy bay ném bom của Mỹ được triển khai tạm thời trên Bán đảo Triều Tiên trong năm nay.

Máy bay B-1B có khả năng mang khối lượng lớn vũ khí thông thường. Triều Tiên trước đây gọi việc triển khai máy bay ném bom là bằng chứng cho thấy sự thù địch của Mỹ và đã phản ứng bằng các vụ thử tên lửa.

Triều Tiên đã phóng ICBM Hwasong-18 xuống biển trong một cuộc tập trận mà nước này cho rằng nhằm cảnh báo các bước đi đối đầu giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ trích vụ phóng tên lửa là hành động khiêu khích, nhấn mạnh rằng điều này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm bất kỳ hoạt động đạn đạo nào của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết vụ phóng khẳng định Triều Tiên có thể phản ứng như thế nào nếu Mỹ đưa ra "quyết định sai lầm chống lại nước này".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Triều Tiên vẫn còn những trở ngại công nghệ cần vượt qua để sở hữu ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.