Bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để khuyến khích người lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn, có các chế độ trợ cấp cho trẻ em.

Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nam và lao động nữ) khi sinh con nếu đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con.

Theo Chính phủ, việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Ủy ban Xã hội đề nghị nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn. Ảnh minh họa: Internet. 
Để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Ủy ban Xã hội đề nghị nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn. Ảnh minh họa: Internet. 

Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật  BHXH (sửa đổi), với đề xuất trợ cấp thai sản đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy: Các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng; chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén…

Thường trực Ủy ban xã hội cho rằng, đây là những lợi ích rất cần thiết đối với người lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ  BHXH trong hệ thống BHXH quốc gia. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con của người lao động tham gia BHXH tự nguyện như: Giảm giá/miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ em đang trong độ tuổi đến trường,… Việc này là để tiếp tục thực hiện mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 28 “Nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng”, khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện.

Về trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy: Số người tham gia BHXH tự nguyện không cao; quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH ở mức 2.000.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế, đây là mức hỗ trợ triển khai từ năm 2015. Do đó, để thu hút người lao động sớm tham gia vào hệ thống BHXH, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ trợ cấp thai sản phù hợp hơn.

Đồng thời, nghiên cứu để bổ sung việc luật hóa quy định đóng trước như Nghị định 134/2015/NĐ-CP đang thực hiện để tăng tính hấp dẫn và cụ thể hóa Điều 7 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

 

Bộ LĐTB&XH tổng kết giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có hơn 54.000 người đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu. Như vậy, mỗi năm có thêm 9.000 người được hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện.

Thống kê của BHXHViệt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1% so với năm 2021.