Bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia

Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 23/5, Dự án Phòng, chống tác hại của rượu, bia tiếp tục được trình ra Quốc hội. Vẫn còn nhiều quy định trong Dự Luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh, các quy định cấm, giảm tác hại của rượu bia… có những quan điểm khác nhau trong quá trình thảo luận.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình Quốc hội cho thấy, về phạm vi điều chỉnh của Luật, một số ý kiến đại biểu đề nghị Dự Luật chỉ nên đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu chỉ đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm “giảm cung”, “giảm cầu” sẽ không bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và chưa thể chế hóa triệt để nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi điều chỉnh như Dự Luật.
 Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đặc biệt, các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Dự Luật là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, qua các lần thảo luận trước, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định có nội dung cấm tại các điều nằm rải rác trong Dự  Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức. ”Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 5 của Dự Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở rà soát, bổ sung, đồng thời thu hút một số quy định có tính chất như quy định cấm tại các điều khác trong Dự Luật”- Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Trước ý kiến  đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau; cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ, trong giải trình Dự Luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao, do vậy, xin được giữ như Dự Luật.
Đi vào những quy định cụ thể của Dự Luật, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia, một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại; ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng quy định điều kiện quảng cáo rượu, bia.
 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng nay. 
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự Luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia của Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Thương mại năm 2005 cũng như lịch sử của các quy định về quản lý trong lĩnh vực này thì thấy rằng, từ năm 2001 (ban hành Pháp lệnh Quảng cáo) đến nay, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia ngày càng được quan tâm quản lý, nhận thức được nồng độ cồn có trong sản phẩm rượu, bia tỷ lệ thuận với tác hại của sản phẩm này nên các sản phẩm rượu, bia đã được quản lý theo hướng chặt hơn.
Theo đó, từ việc không quy định về quản lý quảng cáo rượu, bia trong Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, tiến tới quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 30 độ cồn trở lên trong Luật Thương mại năm 2005, xác định rượu mạnh là đồ uống có cồn, độ rượu từ 15% trở lên tính theo thể tích trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn năm 2010 và cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên trong Luật Quảng cáo năm 2012.
Để phù hợp với Luật Quảng cáo và tính đồng bộ của hai hình thức xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại là quảng cáo, khuyến mại, Dự Luật đã quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. ”Bên cạnh đó, với tính chất là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có thể tác động xấu đến an toàn, trật tự xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế (trên thế giới có hơn 123 nước có quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia), tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Về biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, Dự Luật trình ra lần này đã chỉnh lý khoản 8 Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông, người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải và Bộ Giao thông Vận tải. Dự Luật cũng đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia để đảm bảo thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm trong việc sử dụng, kinh doanh rượu, bia. Bên cạnh đó, các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông của dự thảo Luật cũng được tăng cường nhằm định hướng hành vi, thói quen và trách nhiệm của các bên.