Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: "Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời"

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng cho rằng, thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày qua mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gẫy, đại biểu đặt câu hỏi: Thời gian tới, Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn, cần xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng.
“Khi nghe được, tôi thực sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng. Xin Thủ tướng cho biết, việc phá rừng đúng quy định, quy trình thông qua các dự án thì phải chỉ mặt, điểm tên cá nhân, tổ chức nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được? Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa vào văn hóa này vào chưa?”, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp gửi chất vấn đến Thủ tướng.
Trả lời đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, ông không nói thủy điện là nguyên nhân hay không phải là nguyên nhân gây ra bão lũ, sạt lở miền Trung những ngày vừa qua mà muốn nói con người là nguyên nhân khi quyết định công trình thủy điện thân thiện với môi trường hay không.
"Như nhiều quốc gia văn minh khác, ví dụ Na Uy có rất nhiều thủy điện, nhưng họ dựa trên thế năng tự nhiên, còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chúng ta chấp nhận phá rừng để làm thủy điện thì khi đó nguyên nhân là do con người." - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra dẫn chứng.
“Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào? Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2 và thải ra khí O2 của rừng. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên và cung cấp cho cuộc sống con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta vào, che chở cho bộ đội trong chiến tranh… Nên ở đây tôi muốn nói rằng, thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên. Việc này thì chúng ta có thể khắc phục được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái: trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã… Thủy điện không phải nguyên nhân chính gây ra mất rừng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguyên nhân chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp, lâm nghiệp đó cũng không có giá trị. Cho nên, rừng tự nhiên hết sức quan trọng.
“Chúng ta phải hiểu mất rừng còn rất nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta phải quản lý. Với tư cách là người làm quản lý môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Quốc hội xem xét, rà soát từng mét vuông đất nếu có việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải thu hồi lại rừng. Và phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần