Bộ Y tế họp báo về dịch nCoV: Đỉnh dịch ở Trung Quốc có thể 7 - 10 ngày tới

Nhóm Phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin diễn biến về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

 Quang cảnh họp báo Bộ Y tế chiều 5/2
Virus nCoV bám vào bề mặt gỗ, đá, sắt
Theo số liệu cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến nay thế giới đã ghi nhận 24.567 ca mắc, 493 trường hợp tử vong, trong đó riêng tại Trung Quốc có 491 trường hợp, Hồng Kông (Trung Quốc) có 1 trường hợp và Philippines 1 trường hợp tử vong.
Còn tại Việt Nam, tính đến thời điểm này đã có 10 ca dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. Trong 10 bệnh nhân được xác định dương tính với nCoV, đa phần là những người đến từ vùng dịch, hoặc người quá cảnh tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Chỉ có 2 công dân Việt Nam có tiền sử tiếp xúc gần với những người đã được xác định dương tính với nCoV kể trên nhiễm bệnh.
 Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp báo
Mở đầu họp báo, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết phía Trung Quốc đang rất hy vọng vào các giải pháp của mình, khi số ca nghi nhiễm giảm đi, số chữa khỏi tăng lên.
“Chủng virus này cùng họ với virus gây bệnh SARS. Bản thân virus gây bệnh trên động vật là chính. Nhưng từ năm 2003 đã gây 3 đợt dịch trên người, bao gồm bệnh SARS, MERS-CoV và viêm phổi Vũ Hán” - ông Long nói.
Đặc trưng của virus này khi ho, hắt hơi, virus không lơ lửng trong không khí, mà bám khá lâu vào các bề mặt gỗ, đá, sắt.... Khi tay chạm vào các bề mặt và sờ lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Vì thế, phải rửa tay nhiều lần trong ngày.
Ông Long cũng chia sẻ các nghiên cứu mới cho biết virus có thể lây qua đường phân (tiêu hoá), nhưng nguy cơ không rộng rãi.
"Phòng bệnh tốt nhất bằng cách tránh đến nơi đông người và tiếp xúc đám đông chưa biết rõ. Và biện pháp quan trọng ít người để ý là lau bàn ghế, sàn nhà... bằng dung dịch vệ sinh bề mặt", ông Long hướng dẫn.
 Bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus Corona đã âm tính và xuất viện Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 4/2
Đỉnh dịch ở Trung Quốc có thể 7 - 10 ngày tới
Đề cập đến đỉnh dịch nCoV, GS. TS Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Ở đây chúng tôi muốn nói đỉnh dịch của Trung Quốc từ 7 - 10 ngày tới. Ở Việt Nam, hiện còn quá sớm để có nhận định về tình hình dịch".
Việt Nam thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch. Về hàng không, có 3 chuyến từ Trung Quốc về đỗ tại Vân Đồn với lượng người rất ít. Những người về Việt Nam đều được cách ly 14 ngày. Quảng Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất.
Quan trọng nhất hiện nay, theo ông Long là cách ly, có 4 vòng gồm:
- Tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện, bởi có 8 người đi từ Vũ Hán về đã 5 người nhiễm;
- Vòng hai là cách ly những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam thì cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú;
- Vòng ba là những người tiếp xúc người bệnh là cách ly hạn chế;
- Vòng bốn là người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh.
Ngành y tế xác định mỗi người là một ổ dịch nên khi xác định phải kiểm soát ngay, bởi lây lan ra thì rất là khó.
Như ở Vĩnh Phúc, nơi đã có 5 bệnh nhân, đã áp dụng cách ly 4 vòng (cao hơn các nơi khác 1 vòng).
 Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thăm và động viên người dân đã tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính tại khu cách ly BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Ngay đối với các bệnh viện này cũng đã dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Vì vậy chúng ta chưa cần xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có.
Ví dụ, tỉnh Khánh Hòa đưa ra các phương án nếu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đầy bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Phổi, không đủ lại chuyển tiếp sang Bệnh viện da liễu. Các địa phương hiện nay đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp nhất, nên chúng ta không quá hoang mang. Chúng ta phải có phương án tiếp đón bệnh nhân trong tình huống xấu nhất.
Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị đồng thời mở cửa học tập các phương thức ở nước ngoài. Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận với phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.
Ông Long thông tin Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. "Ngay cả các bệnh viện trung ương tuyến cuối chúng tôi cũng chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh. Chúng ta không xây bệnh viện dã chiến mà sử dụng luôn các bệnh viện. Sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân trong tình trạng xấu nhất.
Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng", Thứ trưởng Long khuyến cáo.
Người mắc nCoV khó có khả năng tái nhiễm
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, rất may là qua các nghiên cứu của nhà khoa học cho thấy người đã bị nhiễm virus Corona và được chữa khỏi bệnh thì sẽ khó có khả năng tái nhiễm, có thể miễn dịch được trong 2 năm. Ngoài ra, việc chữa trị cho bệnh nhân mắc virus Corona, theo quy định của Luật Truyền nhiễm thì sẽ miễn phí việc điều trị đến khi khỏi bệnh.
Giải đáp thắc mắc của phóng viên: “Dịch viêm phổi cấp có lây qua chó mèo, qua vết thương hở hay không?”, Thứ trưởng Long cho biết, khi giải trình từ gene cho thấy virus Corona xuất hiện trên loài dơi. Tuy nhiên hiện nay ở Vũ Hán không phải là mùa dơi, nên đang nghi ngờ có thể lây nhiễm qua con vật trung gian. Tuy nhiên hiện có nghiên cứu công bố là không lây qua động vật nuôi như chó mèo.
 Bác sĩ làm nhiệm vụ bên trong khu vực cách ly, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Đề cập đến các trường hợp được điều trị ở Thanh Hóa và Khánh Hòa, đại diện Bộ Y tế cho biết họ đều là người trẻ, thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày từ dương tính thành âm tính. Còn 1 trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh, người này 66 tuổi bị ung thư phổi, tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2.
Kinh nghiệm cho thấy là chúng ta đã triển khai đúng phác đồ, tiếp tục cập nhật phác đồ cho các bệnh viện. Đối với trường hợp trẻ tuổi, xét nghiệm âm tính. Không bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện, các bệnh viện đã tổ chức cách ly tốt.
"Phụ nữ mang thai và trẻ em là đối tượng dễ bị mắc, nhất là các bệnh về cúm. Còn quá sớm để các nhà khoa học tổng kết, họ đang cố gắng giải mã được những bí ẩn của con virus này. Nên chúng ta hết sức bình tĩnh. Không thể nói trẻ em ít bị nhiễm hơn", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm.
 Thông tin sai sự thật về dịch bệnh tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên
Bác tin đồn 4 người ở Hà Nội nhiễm nCoV
Ngay trong lúc họp báo diễn ra, Bộ Y tế bác bỏ thông tin có 4 người nhiễm virus Corona ở Ngọc Thụy (quận Long Biên). Theo lãnh đạo Bộ Y tế, tin đồn bắt đầu từ sự nhầm lẫn ở địa phương.
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết Quản lý thị trường đã làm việc với các Sở Y tế, xem hành vi găm hàng, đẩy giá ở các cơ sở đã bị phát hiện, xử lý mức độ nào.
“Trên 70.000 nhà thuốc hiện có là kênh tốt để cấp phát, hướng dẫn người dân sử dụng khẩu trang. Các dược sĩ không nên tăng giá khẩu trang lúc này. Người dân xem chỉ dẫn của Bộ Y tế để cân bằng cung cầu”, ông Đông nói.
Tước giấy phép các nhà thuốc gây ra phản cảm, tăng giá găm hàng sẽ có hình thức xử lý thật nặng. Một số cơ sở y tế xem xét rút giấy phép hay phạt nặng.
Bộ Y tế khuyến khích, kêu gọi các cơ sở bán thuốc, bán lẻ cấp phát miễn phí khẩu trang cho nhân dân, hướng dẫn cho người dân đeo khẩu trang.
Khẩu trang, đeo sao cho đúng?
Về việc đeo khẩu trang, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, tất cả những ai thăm khám người bệnh đều cần được đeo khẩu trang y tế. Cách đeo đúng cách là không được sờ vào mặt trong hay mặt ngoài của khẩu trang, tránh virus có thể xâm nhập qua đường miệng hoặc mũi, chỉ có thể sờ vào quai của khẩu trang. "Trong lúc này, người khỏe mạnh cũng không nhất thiết phải đeo khẩu trang", ông Phu cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Long, khẩu trang y tế là biện pháp hiệu quả để phòng lây nhiễm virus Corona. Tuy nhiên, người dân cần sử dụng đúng. "Đeo sai khẩu trang cũng có thể lây bệnh", ông Long nói.
Để phòng bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vải khi đi xe máy để chống bụi và các loại virus khác, và không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế, người dân có thể dùng khẩu trang vải được giặt bằng xà phòng sạch sẽ hàng ngày. “Trong lúc này, người dân nên bình tĩnh, nghe theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, không nghe theo tin đồn”, ông Long khuyên.
Buổi họp báo kết thúc lúc 16h45!

Nguồn: VTC1

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần