Cải cách tiền lương, sẽ thay đổi mức hưởng lương hưu và các loại trợ cấp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở được quy định theo hướng mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất.

Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Ảnh minh họa: Internet.
Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Ảnh minh họa: Internet.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết: Từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Do bãi bỏ mức lương cơ sở nên không còn căn cứ thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của Luật hiện hành và không còn căn cứ tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội cũng như một số chế độ quy định ở một số văn bản quy định pháp luật khác.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này.

Việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải làm rõ. Chính phủ cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính.

Chính phủ làm rõ căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Cùng với đó, Chính phủ làm rõ cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng tiền lương do Nhà nước quy định, bao gồm các khoản phụ cấp nào.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho biết đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành liên quan rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả quy định việc thay thế về “mức lương cơ sở” đang hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan trong đó có các chế độ trợ cấp được tính theo mức lương cơ sở; nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chính thức.

Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở được quy định theo hướng mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực và điều chỉnh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung vào khoảng 12 Điều 142 về quy định chuyển tiếp nội dung Chính phủ quy định về mức tiền trợ cấp không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh.

Cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của bảo hiểm xã hội và các quy định có tính chất căn bản của bảo hiểm xã hội. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi cụ thể trên cơ sở giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.