Cải thiện môi trường kinh doanh: Phải đo đếm được thực chất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các chuyên gia và DN đều mong muốn, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ đi sâu vào từng việc cụ thể, đo đếm được hiệu quả và tăng vai trò giám sát, đánh giá của DN, người dân.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội nghị quốc tế “Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng" do Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức ngày 15/3.
 Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Godaco (Tiền Giang) Ảnh: Hùng Huy
Nhiều chính sách vẫn lạc hậu

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nêu khó khăn, thứ nhất là, trong thời điểm hội nhập sâu rộng như hiện nay, DN thiếu cập nhật thông tin về chính sách, tình hình thị trường, trong khi các nước làm rất hiệu quả. Thứ hai, tiêu chuẩn và quy trình mới về chất lượng sản phẩm vẫn là điểm yếu của DN, nhất là người nông dân. Ngoài ra, nhiều DN không tìm được nhân lực có trình độ cao. Theo bà Hạnh, nên xem xét những bất lợi của DN để tìm hướng tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng chia sẻ, du lịch phát triển nhanh nhưng với tốc độ tăng trưởng có bền vững hay không phụ thuộc vào chính sách. Hiện xu thế khách lẻ sẽ tăng lên, chiếm tới 70%, trong khi đi theo đoàn tour chỉ 30%. Ông Bình cho rằng, với khách lẻ, quy định về visa rất quan trọng. Nhiều nước trong khu vực đang tạo thuận lợi cho du khách như Indonesia miễn visa cho 169 nước, Thái Lan 67 nước, Malaysia cũng tương tự… trong khi ta chỉ miễn visa cho 24 nước.
"Việt Nam đã làm visa điện tử, tạo cơ hội thuận lợi hơn nhưng không có nghĩa là miễn visa. Phải tạo cơ chế làm sao để khách có cơ hội, họ thích là đi ngay" - ông Bình đề xuất. Một thủ tục nữa cũng được đại diện Hiệp hội Du lịch cho rằng đã lạc hậu, đó là khi khách đã vào Việt Nam rồi nhưng muốn quay trở lại phải sau 30 ngày mới được nhập cảnh vào Việt Nam.

Chính sách tốt quan trọng là khâu thực hiện

Hiện nay, cộng đồng DN thủy sản đánh giá cao Nghị định 15/2018/NĐ-CP trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Chính phủ khi cắt giảm 95% thủ tục hành chính, quay trở lại hành lang pháp lý bình đẳng với các nước đang cạnh tranh với chúng ta. Tuy vậy, hầu hết các DN đều mong muốn các cơ quan Nhà nước hướng dẫn kịp thời hơn để sản xuất không bị ách tắc.

Điểm lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng: Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam vẫn đứng thứ hạng thấp về trách nhiệm giải trình của bộ máy.
Với tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như hiện nay, nếu cán bộ không thực hiện đúng tiến độ công việc được giao phải kỷ luật ngay. Bà Lan đề nghị, phải giám sát khâu thực hiện các chính sách và chỉ đạo mà Chính phủ đã công bố, định rõ thời hạn phải hoàn thành và chế tài xử lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, thu nhập trên đầu người của nước ta vẫn đứng thứ 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực ở thứ hạng 115 - 120 trên thế giới, năng suất lao động còn thấp hơn cả Lào. "Không chỉ là trên nóng dưới lạnh mà “nóng - ấm không đều” - Phó Thủ tướng nói.
Nguyên nhân là do trước đây, chúng ta tập trung vào một số chỉ tiêu chính nên bộ, ngành nào liên quan đến những chỉ tiêu chính thì có “nóng” như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, còn lại thì chưa “nóng”. Bởi vậy, Nghị quyết 19/2018 sẽ cố gắng để có sự “nóng” đều và làm mạnh hơn, đốc đầu việc tiến độ thực hiện đến kết quả cuối cùng.

Năm nay kết hợp 2 mũi, mũi thứ nhất, tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, địa phương, chủ yếu là đốc đầu việc tiến độ. Mũi thứ hai là kinh nghiệm của năm vừa qua đặt ra là phải đối thoại để các bên gặp nhau. Phải tính kết quả cuối cùng vấn đề vướng mắc đó được tháo gỡ chưa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Để tiến tới đạt mục tiêu đặt ra cần có cơ chế phản hồi và đánh giá tác động. Việt Nam vẫn cách khá xa các nước. Vì vậy Việt Nam phải cải cách nhanh và mạnh hơn nữa và cần nhìn sang các nước láng giềng xem họ đang làm gì để tăng tốc nhằm đuổi kịp họ. 

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione