Bài toán khó
Sinh năm 1984 ở thôn Đồng Dâu, Quách Đình Hậu là người có khoảng thời gian dài gắn bó với các hoạt động phong trào, đoàn thể. Anh là một trong số ít thanh niên dân tộc ở địa phương tích cực tham gia công tác Đoàn từ khi còn là học sinh phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp văn thư lưu trữ Hà Nội, anh về địa phương tiếp tục tham gia công tác Đoàn. Từ năm 2011 - 2016, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Bí thư Chi bộ thôn Đồng Dâu. Năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Tiến Xuân. Sau đó, anh tham gia Đảng ủy, phụ trách 2 chi bộ thôn Gò Chè và Đồng Cao.
Anh Hậu cho biết: "Chi bộ thôn Gò Chè và Đồng Cao có 26 đảng viên với 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở vị trí của mình, tôi tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với bà con nhân dân. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân. Từ đó, báo cáo lên Đảng ủy xã để kịp thời đưa ra những quyết sách ở thẩm quyền của mình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân".
Cũng giống như bao địa phương vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển Đảng của Tiến Xuân là nguồn phát triển đảng viên. Anh Hậu trăn trở: "Thanh niên học tập một cách cơ bản, có chí hướng phấn đấu thì ít ở lại quê hương. Họ tìm việc làm ở trung tâm TP, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số còn lại ở địa phương, rất nhiều thanh niên có trình độ văn hóa hạn chế, đa số chưa tốt nghiệp THPT, nghề nghiệp không ổn định".
Tuy nhiên, không vì "nguồn" hạn chế mà phát triển đảng một cách ồ ạt, lấy chỉ tiêu, số lượng. Công tác phát triển đảng ở Tiến Xuân vẫn được thực hiện một cách thận trọng, đảm bảo lựa chọn được những quần chúng ưu tú nhất đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Anh Hậu cho biết thêm: "Để nâng cao chất lượng đảng viên, quy định quần chúng ưu tú giới thiệu xem xét kết nạp đảng tối thiểu phải có trình độ tốt nghiệp THPT. Đối với nhiều địa phương, tiêu chí này rất bình thường nhưng với xã miền núi như Tiến Xuân, đây là điều kiện khá khó".
Không vì khó mà bỏ cuộc, sau hơn chục năm liền gắn bó với thanh niên, với công tác Đoàn, Đảng tại địa phương, anh Hậu luôn trăn trở: "Phải làm thế nào để thanh niên vừa được học văn hóa để nâng cao trình độ, vừa được học nghề để giải bài toán việc làm, thoát đói nghèo và lạc hậu?".
Tiên phong mở lớp 9+
Nhiều lần đi tham dự các hội nghị của Đoàn, Hội, tiếp xúc với các trường học ở trung tâm TP, anh Hậu biết đến mô hình đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) lên thẳng cao đẳng (còn gọi là mô hình 9+). Đây là mô hình đào tạo nghề liên thông từ trung cấp lên cao đẳng dành cho đối tượng tốt nghiệp THCS.
Những ngày cuối tháng 8, lớp học 9+ đầu tiên đã được khai giảng ở Tiến Xuân với 36 học viên lứa tuổi từ 15 - 22 tuổi tham gia.
Bày tỏ niềm phấn khởi khi con mình được học văn hóa kết hợp học nghề ngay tại địa phương, chị Quách Thị Lợi (37 tuổi, thôn Gò Chói chia sẻ: "Con trai tôi chưa tốt nghiệp THPT nên gặp nhiều khó khăn trên con đường định hướng nghề nghiệp. Trong lúc gia đình đang băn khoăn, trăn trở tìm hướng đi cho cháu thì được anh Hậu và Đoàn Thanh niên xã phổ biến về lớp học 9+. Gia đình tôi rất phấn khởi khi con được học tập ngay gần nhà".
Theo đó, khi tham gia lớp học 9+, các học viên tham gia lớp học là đồng bào dân tộc thiểu số tuổi đời từ 15 - 30 chưa tốt nghiệp THPT sẽ được tiếp tục học văn hóa. Quá trình học văn hóa sẽ được tổ chức liên tục trong 1 năm. Ngay sau đó, học viên sẽ được học nghề miễn phí để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Có rất nhiều nghề cho các bạn trẻ lựa chọn như chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, tin học...
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ ngay tại địa phương là một trong những khâu quan trọng mà Bí thư Đoàn xã Tiến Xuân "nhắm" đến "đích" tạo nguồn phát triển đảng viên ở cơ sở. Bí thư Đoàn xã tâm sự: "Là thanh niên, ai cũng có lý tưởng, có ý chí phấn đấu để góp sức mình xây dựng quê hương. Tuy nhiên, điều kiện của mỗi người lại một khác. Có thể nhiều bạn muốn học nhưng do điều kiện, hoàn cảnh nên con đường học hành dang dở".
Song hành cùng với việc tìm lớp để nâng cao trình độ văn hóa cho đoàn viên, thanh niên, anh Hậu cũng là người khởi xướng nhiều hoạt động có ý nghĩa, thu hút, tập hợp thanh niên tham gia, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội tại địa phương. Nhiều CLB đã được thành lập, lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia như: CLB thể dục thể thao, CLB thanh niên dân tộc phát triển kinh tế, CLB sức khỏe tiền sinh sản...
Công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh niên khi tham gia mạng xã hội cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đoàn xã Tiến Xuân lập fanpage trên facebook, tạo nhóm zalo để chia sẻ những câu chuyện hay, hành động đẹp, định hướng tư tưởng cho đoaàn viên thanh niên.
Với những cách làm sáng tạo, anh Hậu cùng các tổ chức đảng cơ sở không chỉ thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số mà còn phát huy tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, trở thành cầu nối, góp phần quan trọng tuyên truyền, vận động, đưa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
"Nhờ có sự tích cực, chủ động của tổ chức Đoàn, việc tìm nguồn phát triển đảng của địa phương không quá khó khăn. Với 24 chi bộ, trong đó có 18 chi bộ nông thôn, hiện Đảng ủy xã Tiến Xuân có 313 đảng viên, trong đó 209 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, công tác phát triển đảng của địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra". Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiến Xuân Quách Hữu Nghiệp |
(còn nữa)