Cần có cuộc tổng rà soát công tác dạy liên kết, dạy thêm trong trường học

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vài ngày nay, vấn đề dạy thêm, dạy liên kết trong trường học dưới danh nghĩa “tự nguyện bắt buộc” được dư luận nhắc đến bằng thái độ bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần một cuộc tổng rà soát đánh giá thực trạng, từ đó tìm giải pháp để sớm giải quyết tình trạng này.

Nhiều hình thức dạy thêm trong trường học

Nhiều địa phương trên cả nước, việc liên kết giữa trường học với các trung tâm, công ty giáo dục để tổ chức học tăng cường tiếng Anh, Toán- Tiếng Anh, Stem, kỹ năng sống, thể dục Aerobic, võ thuật… diễn ra phổ biến kể từ khi áp dụng quy định học 2 buổi/ngày.

Thời khóa biểu có nhiều tiết tăng cường liên kết được xếp trong giờ học chính khóa (Ảnh PHCC)
Thời khóa biểu của một trường học có tiết tăng cường liên kết được xếp trong giờ học chính khóa (Ảnh PHCC)

Tại công văn 10176/TH ngày 7/11/2000 gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đảm bảo chất lượng của bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực ở các trường tiểu học.

Việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của các cấp quản lí có thẩm quyền…

Theo quy định về kế hoạch dạy học cấp tiểu học thì buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết (cả ngày không quá 7 tiết, một tuần không quá 35 tiết). Như vậy, khoảng 15 giờ 20 hàng ngày, học sinh kết thúc thời gian học chính khoá.

Do phụ huynh khó sắp xếp công việc để đón con sớm; mặt khác, ngoài giờ học cũng không có giáo viên quản lý được số lượng lớn học sinh; vì vậy, việc tổ chức các lớp học tăng cường ở tiết cuối (tiết 8), ngoài bồi dưỡng năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh còn đồng nghĩa với việc học sinh được quản lý chặt chẽ thông qua các nội dung, hoạt động học tập.

Tuy thế, việc đưa vô tội vạ các trung tâm liên kết vào trường học, xếp tiết học liên kết xen kẽ tiết học chính khóa, học phí liên kết cao, hiệu quả và chất lượng chương trình liên kết không được kiểm soát chặt chẽ… là những yếu tố dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của phụ huynh mặc dù chương trình này là do phụ huynh tự nguyện đăng ký.

Theo hướng dẫn của Bộ, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở trường khi về nhà không phải học thêm… Nhưng thực tế, việc dạy thêm, học thêm chính cô chủ nhiệm diễn ra tràn lan ở các trường công lập. Tình cảnh học sinh học kín 2 buổi ở trường, tan học được bố mẹ chở về nhà vội vàng tắm, ăn tối; thậm chí được bố mẹ mua cho gói xôi, hộp sữa ven đường rồi nhanh chóng thẳng tiến nhà cô học đến 20- 21 giờ là việc quá quen thuộc.

“Tôi thường đi làm về muộn. Có những buổi gần 21 giờ mới từ công ty về nhà nhưng vẫn thấy các cháu nhỏ, có cháu chỉ học lớp 1- 2 nhốn nháo rời khỏi nhà cô giáo; trong số này, có những cháu còn mặc nguyên đồng phục của trường. Nhìn cảnh đó, tôi thật sự xót xa và lo lắng cho các cháu”- anh Ngọc Long, quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Cần một cuộc tổng rà soát công tác dạy thêm, học thêm

“Không ai có thể ép buộc phụ huynh đăng ký cho con học thêm hay học tăng cường liên kết nếu họ dứt khoát nói không”, đó là quan điểm của anh Nguyễn Văn Hà, trú tại quận Hà Đông. Anh Hà có con học tiểu học và cũng là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp nhiều năm liền. Vốn là người dám nói thẳng, nói thật, anh Hà trở thành một trong số ít phụ huynh không đăng ký cho con học tăng cường tại lớp.

Cần có cuộc tổng rà soát về công tác dạy thêm học thêm để tăng cường quản lý (Ảnh minh họa)
Cần có cuộc tổng rà soát về công tác dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa).

“Khi cô chủ nhiệm phát đơn/phiếu đăng ký học chương trình tăng cường theo hình thức tự nguyện để các con mang về xin chữ ký bố mẹ, trước hết tôi hỏi nguyện vọng của con. Năm nay lớp con triển khai học 3 môn tăng cường gồm: Toán – Tiếng Anh, Aerobic và võ thuật. Con nói thích học Toán – Tiếng Anh nhưng không thích võ thuật và Aerobic, lý do bởi các môn đó nội dung không phong phú, tập đi tập lại vài động tác rất nhàm chán. Tôi đồng ý và chỉ đăng ký 1 môn theo nguyện vọng của con, 2 môn còn lại tôi không cho con học” – anh Hà nói.

Trong khi đó, cùng lớp con anh Hà, rất nhiều phụ huynh khác con không có sở thích võ thuật, Aerobic hoặc không muốn học Toán- Tiếng Anh những vẫn tặc lưỡi đăng ký vì lo cô giáo không hài lòng, tỏ thái độ với con. Không chỉ vậy, còn bởi các môn liên kết được xếp vào tiết 1, tiết 2 hoặc tiết 3 buổi chiều; nếu không đăng ký, con sẽ phải rời lớp, lên phòng tự học và không có ai quản lý.

“Tôi không thể đồng ý với cách sắp xếp lịch học liên kết của trường. Tại sao các môn học liên kết tự nguyện lại xếp trong tiết học chính khóa? Các con còn nhỏ, không thể nào lang thang bên ngoài lớp học, trong khi thời gian đó, con có quyền lợi được ngồi trong lớp để học tập theo quy định” – anh Phạm Ngọc Chiến, phụ huynh lớp 5 bức xúc.

Dạy 2 buổi/ngày là chủ trương đúng của ngành GD&ĐT, nhất là khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trước chia sẻ và nỗi niềm của đông đảo phụ huynh cũng như dư luận xã hội về công tác dạy thêm, học thêm trong trường học, ngành GD&ĐT cần đẩy mạnh công tác rà soát, thanh kiểm tra hoạt động dạy thêm, dạy liên kết, tăng cường của các nhà trường. Cùng với đó, qua nhiều hình thức, các đơn vị nên tổ chức đối thoại với phụ huynh học sinh để nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng. 

Một trong những mục tiêu của chương trình mới là không gây quá tải, áp lực đối với học sinh; vậy học sinh có đang chịu áp lực và quá tải không khi hết học chính lại liên miên đi học thêm? Việc giáo viên chủ nhiệm tổ chức học thêm đối với học sinh lớp mình chủ nhiệm có bất cập gì, gây nên áp lực tâm lý gì với phụ huynh nếu không cho con đi học cô... là những vấn đề cần được quan tâm và sớm đưa ra giải pháp.

Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho học sinh, phụ huynh cần có trách nhiệm trong việc bày tỏ quan điểm và sáng suốt lựa chọn khi đăng ký cho con học thêm, học liên kết. Hãy thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, sức học, sức khoẻ, nhu cầu... của con; tránh tâm lý e dè, lo lắng, chạy theo phong trào và cho con đi học thêm tràn lan, không phương hướng mục đích.

Có một thực tế khác đang tồn tại, đó là ngoài học chính, học thêm tại trường, học cô chủ nhiệm, nhiều phụ huynh lại tiếp tục cho con đến các trung tâm học thêm vào buổi tối hoặc các ngày cuối tuần dẫn đến sự kiệt sức, mệt mỏi cho cả cha mẹ và con cái. 

"Nếu ví dạy thêm, học thêm là ma trận, chỉ có bố mẹ mới là người đầu tiên đưa con thoát khỏi ma trận hoặc không đi vào ma trận đó. Muốn vậy, bố mẹ cần dành thời gian đồng hành, kèm cặp, quan tâm đến con, đừng phó mặc hoàn toàn con cho nhà trường hay thầy cô giáo...", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

 

Nhiều địa phương ban hành lệnh cấm dạy thêm

Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Sở cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Tỉnh này nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Sở yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Nam Định cũng quyết liệt yêu cầu các trường, giáo viên trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, trái quy định; trong đó, nêu rõ trường hợp không dạy thêm là học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh.

Riêng với lớp cuối cấp 9, 12, giáo viên dạy không quá 5 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 4 tiết học, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần.

Sở GD&ĐT An Giang cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Hiện nội dung trên vẫn tiếp tục được các địa phương xem xét giải quyết.