Cần giải pháp đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Du lịch phục hồi mạnh mẽ, số lượng khách du lịch tăng trưởng vượt qua các dự báo là điểm sáng trong năm 2022 của ngành văn hoá, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, sau đại dịch covid-19 du lịch mở cửa sớm nhưng doanh thu từ khách quốc tế vẫn rất khiêm tốn.

Thông tin trên được nêu tại Hội nghị Tổng kết công tác VHTT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tổ chức ngày 22/12. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Du lịch tăng trưởng ngoạn mục

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022, ngành du lịch đã có những chuyển biến mạnh mẽ, là một điểm sáng, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn trên toàn cầu.

 

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần các giải pháp, chính sách thật đột phá, với sự ủng hộ của các bộ, ngành, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực hiện có, trong đó dựa vào con người, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Để có kết quả trên, Bộ VHTT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức Hội nghị thúc đẩy du lịch nước ngoài vào Việt Nam; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm.

Khách du lịch tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Lại Tấn.
Khách du lịch tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Lại Tấn.

Cùng với Bộ VHTT&DL, hoạt động du lịch tại các địa phương năm 2022 đều ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch, nhất là sau thời điểm 15/3/2022 khi du lịch cả nước được mở cửa trở lại. Nổi bật, Hà Nội đã đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021. TP Hồ Chí Minh ước đạt 28,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương tổ chức: Hà Nội tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”. TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế TP lần thứ 16 năm 2022. Quảng Ninh tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á lần thứ 17. Hà Giang tổ chức Chương trình du lịch Qua miền di sản Việt Bắc.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.

Nhờ những kết quả trên, du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao. Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu Travel + Leisure đề xuất Việt Nam là một trong 12 điểm đến tuyệt vời và có chi phí phải chăng phù hợp. Tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh – “Wanderlust” công bố Việt Nam là 1 trong 20 điểm đến hàng đầu cho dịp đầu năm mới. Mộc Châu nhận giải Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022 do World Travel Awards 2022 tổ chức. Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đề xuất Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn có tuyết rơi ở châu Á, trong đó có Sa Pa. Phú Quốc trong top 25 hòn đảo tốt nhất thế giới do tạp chí Travel+Leisure công bố hàng năm, dựa trên sự đánh giá của độc giả về các trải nghiệm du lịch trên toàn thế giới. Khách sạn Azerai La Residence Huế được độc giả tạp chí Condé Nast Traveler bình chọn là đơn vị duy nhất của Việt Nam trong “Top 10 khách sạn hàng đầu Đông Nam Á”.

Phấn đấu đón 110 triệu khách trong năm 2023

Bên cạnh sự trở lại ngoạn mục sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Về giải pháp phát triển du lịch năm 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, 2023. Tăng cường phổ biến quy định pháp luật và các quy định trong Ngành.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi khách du lịch quốc tế. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng. Đồng thời, khắc phục yếu tố mùa vụ, kích cầu mùa thấp điểm. Bên cạnh đó, toàn ngành Du lịch sẽ tiếp tục đầu tư cho điểm đến đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”; Chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) với các hoạt động thông tin, truyền thông; xúc tiến, quảng bá hướng tới thị trường nguồn khách quốc tế của du lịch Việt Nam.