Sai phạm tại Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2, 3:

Cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan

Tiểu Thúy - Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sai phạm trong quá trình thi công xây dựng nhà máy thủy điện Krông Nô 2, 3, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền địa phương cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan để bảo đảm công tác quản lý nghiêm của Nhà nước.

Ngày 10/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 2 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty CP thủy điện Trung Nam Krông Nô (Công ty Trung Nam Krông Nô) vì những vi phạm tại công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

Theo đó, mức phạt là 87,5 triệu đồng đối với nhà máy thủy điện Krông Nô 2 và 87,5 triệu đồng đối với Krông Nô 3. Đáng chú ý, trước đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đề nghị mức phạt đề xuất đối với Krông Nô 2 là 227,5 triệu đồng và Krông nô 3 là 317,5 triệu đồng. 

Tuy nhiên xem sau khi xem xét, cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp xử phạt đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình và lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình tại 2 dự án nói trên. Lý do vì công trình đã kết thúc thi công, đưa vào vận hành năm 2016, đến nay đã hết thời hiệu xử phạt hành chính.

Thủy điện Krông Nô 3. Ảnh: Trung Nam
Thủy điện Krông Nô 3. Ảnh: Trung Nam

Sai phạm về xây dựng dự án thủy điện, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Liên quan đến vụ việc nói trên, chiều ngày 12/8, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, anh N.V.T. – một chuyên gia trong lĩnh vực thủy điện cho rằng, việc xây dựng thủy điện nói chung nếu để xảy ra các sai phạm như trên (thủy điện Krông nô 2 và 3 - PV) sẽ nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công đoạn trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện, như: tuyến năng lượng; truyền tải; nhà máy…cần phải sớm đưa ra hướng xử lý triệt để.

Chuyên gia này phân tích, hoạt động nhà máy thủy điện luôn có 2 phần chính là các tổ máy và máy biến áp. Nếu thi công xây dựng công trình dự án thủy điện được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia, thì các tổ máy phải đối diện với nguy cơ dẫn tới sự cố, mà nguyên nhân thường xuất phát từ công tác bảo vệ không đảm bảo. Những sự cố dạng này không chỉ dừng lại ở việc dừng hoạt động, cháy, nổ máy móc mà có thể gây ra mất an toàn với nhân lực vận hành.

Đặc biệt, đối với đường ống áp lực (tuyến năng lượng) là khâu rất quan trọng, sẽ luôn được tính toán cẩn trọng trong quá trình thiết kế. Nếu lúc thi công, thao tác hàn đường ống áp lực không tốt thì hậu quả là không thể đong đếm được.

Trên thực tế đã có trường hợp, bể đường ống áp lực xảy ra trên đoạn đi qua khu vực dân cư, hậu quả đã thổi bay mấy hecta vườn tược, và làm chết người dân trong khu vực đó.

Các điều kiện cần và đủ để triển khai dự án thủy điện đã được quy định rất rõ, buộc phải đảm bảo hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật - thi công, nguồn vốn, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát…Vấn đề còn lại là trong quá trình triển khai xây dựng, các bên liên quan phải tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường, xã hội và an toàn tuyệt đối cho nhà máy thủy điện.

Cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trần Đức Phương - Đoàn Luật sự TP Hồ Chí Minh cho biết, trong hoạt động xây dựng, tùy theo loại công trình xây dựng có quy định bắt buộc về nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.

Theo đó, hành vi chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu và nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng thuộc hành vi bị cấm tại Điều 12 Luật Xây dựng 2014 (Có hiệu lực tại thời điểm có hành vi vi phạm). Như vậy, việc tham gia hoạt động xây dựng bao gồm cả hai phía chủ đầu tư và nhà thầu, một hành vi vi phạm nhưng phải xử lý cả hai chủ thể vi phạm.

“Đây là vi phạm có tính chất nghiêm trọng thuộc điều cấm của Luật Xây dựng 2014 nên các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thi công, chất lượng công trình, ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. Trên thực tế, các trường hợp sự cố xảy ra trong hoạt động xây dựng (tai nạn lao động, sự cố môi trường, công trình không thể được nghiệm thu,…) không thể lường trước được đều có nguyên nhân phần nhiều do công tác quản lý xây dựng đối với nhà thầu, đơn vị giám sát. Với trường hợp vi phạm trên, rất may mắn là chưa có thông tin xảy ra các sự cố trong hoạt động xây dựng” - Luật sư Trần Đức Phượng phân tích.

Cũng theo Luật sư Trần Đức Phượng, trong vụ việc này, chủ đầu tư đã không thông báo đến Cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương nhưng việc thi công công trình lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng phía chính quyền không phát hiện, không buộc chủ đầu tư thực hiện theo các quy định pháp luật thuộc về UBND cấp xã, UBND cấp huyện, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý chuyên môn.

Do đó, Cơ quan chính quyền địa phương cũng cần làm rõ trách nhiệm, xử lý và điều chuyển những cán bộ thiếu trách nhiệm này sang bộ phận khác để bảo đảm công tác quản lý nghiêm của Nhà nước.

Mặt khác, về chuyên môn cũng kiểm tra, xử lý những bộ phận, cán bộ thiếu trách nhiệm đã không kiểm tra đầy đủ hồ sơ trong việc đánh giá để một công trình thực hiện không đúng nhiều quy định và gồm hành vi bị cấm của Luật Xây dựng nhưng vẫn được nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng như vậy là không an toàn, có dấu hiệu bao che trong các sai phạm của chủ đầu tư.

Ngoài ra, đây là công trình cần có tính an toàn cao nhưng lại do đơn vị không đủ năng lực thi công và giám sát nên cơ quan chức năng khi tổ chức nghiệm thu công trình thật kỹ để đảm bảo tính an toàn trong quá trình vận hành.

 

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, sản xuất vật liệu xây dựng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà.

2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng (trừ Điều 9, Điều 10, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định này) và các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 41, điểm b khoản 4 Điều 44, điểm a khoản 2 Điều 45, khoản 1 Điều 47, điểm a khoản 2 Điều 48, điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 55, khoản 3 Điều 57, điểm b khoản 1, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i khoản 2 Điều 63 được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định;