Cần nhưng chưa đủ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa kết thúc. Sẽ có những nhận xét, đánh giá về kỳ nghỉ dài ngày này, cả được cũng như chưa được từ mỗi người sau những trải nghiệm đã qua. Có điều, cũng như sau nhiều kỳ nghỉ trước, vấn đề được nói đến tức thì là nạn xả rác tùy tiện tại các điểm vui chơi, du lịch, nơi công cộng.

 Cách làm kiên quyết, tích cực, mà phù hợp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội góp phần giữ gìn cảnh quan sạch đẹp khu phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa.
Chỉ riêng ở Hà Nội, đã có nhiều nơi như công viên Yên Sở, Thủ Lệ, Thống Nhất… được kể đến như “nạn nhân” của tệ xả rác bừa bãi với sự mô tả quen thuộc: “Rác sinh hoạt tràn ngập khắp mọi nơi…”. Và không chỉ ở Hà Nội, các điểm du lịch khác trong cả nước như Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt… cũng ở trong tình trạng tương tự.
Trong bối cảnh nói trên, những chuyển biến ban đầu ở khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm có thể coi là sự kiện đáng ghi nhận. Ai đã đến Hồ Gươm những ngày nghỉ lễ vừa qua đều nhận thấy nạn xả rác bừa bãi đã được hạn chế đáng kể. Không còn cảnh rác “tấn công” thảm cỏ, lối đi như trong một số kỳ nghỉ, ngày lễ trước. Có thể nói đó là kết quả của cách làm kiên quyết, tích cực, mà phù hợp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco). Từ tối 26/4, công ty đã đặt hàng chục biển cảnh báo tại một số tuyến phố đi bộ, đặc biệt là những khu vực có nhiều hàng quán, ở những vị trí phù hợp để mọi người dễ quan sát, nhận biết.
Biển được thiết kế dáng chữ A gọn nhẹ, với 2 nội dung khác nhau ở 2 mặt. Mặt có in chữ màu xanh nhắc nhở mọi người đổ rác đúng nơi quy định và mặt in chữ vàng cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác bừa bãi. Đặc biệt, trên cả 2 mặt đều có dòng chữ: “Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bữa bãi”. Hàng loạt biển báo có nội dung tương tự cũng được treo tại các barie đặt tại lối vào các tuyến phố đi bộ. Nhờ vậy, các du khách khi vừa bước vào phố đi bộ đã được nhắc nhở để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Hiệu quả đã thấy rõ. Ngay trong tối đầu tiên lực lượng chức năng đã ghi được hình ảnh nhân viên một số cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại khu vực trước Đài phun nước, sau ca bán hàng đã mang những túi rác lớn vứt ra vỉa hè. Khi được xem những hình ảnh ghi được, họ đều nhận ra hành vi sai phạm của mình và hứa sẽ không tái phạm.
Và không chỉ có các nhà hàng, người làm dịch vụ, du khách cũng ý thức rõ hơn hậu quả của hành vi xả rác bừa bãi, có thể bị phạt tới 7 triệu đồng, nên đã chú ý vứt rác vào đúng nơi quy định!
Có thể coi đây là thành công bước đầu của một việc làm kiên quyết mà Urenco cùng các cơ quan chức năng liên quan thực hiện… Cách làm này được người dân thành phố ủng hộ và nâng cao ý thức của họ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa hình thành một cái gốc bền vững.
Cách làm của Urenco là sự bắt đầu cần thiết. Song cần thiết hơn là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ một cách căn cơ, bài bản. Phải làm sao để người dân không xả rác bừa bãi không phải vì sợ bị ghi hình, xử phạt nặng mà bởi họ thấy đấy là hành vi đáng xấu hổ, có hại cho cộng đồng!
Hy vọng rằng đến một lúc nào đó chúng ta không cần phải xử dụng những tấm biển chữ A như ở khu phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm nữa. Bởi bên cạnh tác dụng cảnh báo, nó còn gián tiếp là một sự thú nhận: Người Hà Nội vẫn chưa thực sự văn minh, thanh lịch. Một sự thú nhận không mấy vui.