Cần xử lý tận gốc nhà ở riêng lẻ vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Doãn Thành - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc không tuân thủ quy định pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế xây dựng của các công trình nhà ở riêng lẻ, là nguyên nhân chính gây ra những hậu quả thương tâm trong thời gian gần đây.

Loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (hay còn được gọi với cái tên chung cư mini) là sản phẩm mới chỉ được pháp luật cho phép tồn tại khoảng hơn 10 năm nay, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, và được luật hóa trong Luật Nhà ở năm 2014.

Sở dĩ các nhà quản lý đưa quy định này vào trong luật bởi loại hình này vốn đã hình thành và tồn tại từ trước đó rất lâu. Như vậy có thể thấy một lần nữa quy định pháp lý lại có độ trễ khá dài so với thực tế.

Chung cư mini được hình thành từ nhu cầu thực tế của người dân ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhóm dân di cư ra TP để mưu sinh và vô cùng được ưu chuộng bởi đáp ứng đồng loạt rất nhiều yếu tố: vị trí gần trung tâm, giá rẻ hơn các BĐS khác...

Cũng chính bởi những quy định pháp lý đi sau, nên những tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng công trình, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có rất nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ra gây thiệt hại nặng về tính mạng, tài sản người sử dụng. Song chính vì nó phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp, lại không phải đi quá xa khỏi trung tâm đô thị, nên mặc dù biết là rất rủi ro nhưng đây vẫn là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người dân.

Chung cư mini là loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chung cư mini là loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, hầu hết chung cư mini đều được xây dựng trên những mảnh đất xen kẹt, nằm sâu trong các ngõ hẻm của khu vực đông dân cư. Nên bên cạnh bất cập về việc gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, tăng mật độ dân số, loại hình nhà ở này còn thiếu những tiến ích cần thiết cho cư dân và không đảm bảo an toàn PCCC.

Đáng quan ngại, để tăng lợi nhuận, hầu hết chủ đầu tư đều xây vượt tầng cho phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị. Thông thường, những công trình chung cư mini chỉ được xây dựng 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật như trong giấy phép đã quy định, nhưng thực tế lại được chồng thêm 3 – 4 tầng.

Nghiêm trọng hơn, trong quán trình vận hành, sử dụng cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nhưng thiếu quan tâm bảo trì để sửa chữa, gia cố, gây mất an toàn cho cư dân, trong đó có vấn đề an toàn PCCC, hệ lụy khi xảy ra hỏa hoạn tại những tòa nhà xây dựng vượt tầng, sai mật độ, không đảm bảo an toàn PCCC đều để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng về tính mạng và tài sản.

 

Chính phủ cần có thêm các quy định yêu cầu cao, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng chung cư mini. Tuyệt đối tránh phê duyệt vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận, cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh  và “năng lực, trách nhiệm” của chủ đầu tư. Không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây mini để bán hay cho thuê. Việc kiểm soát xây dựng, vận hành phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, đảm bảo đúng với tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, thường xuyên bảo trì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn PCCC…

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính

“Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định, không cho phép phạt để tồn tại đối với những công trình sai phép, nếu sai phải khôi phục công trình theo đúng quyết định. Điều này có nghĩa là công trình nào xây vượt tầng thì phải đập bỏ phần vượt, xây sai thì phải xử lý phần sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình. Thực tế, việc thiếu an toàn đều đã thấy, nhưng việc lách luật để hợp thức hóa sai phạm cũng không ít” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Siết chặt chế tài xử lý

Ngày 22/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 991/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nói chung, trong đó có nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Tuy nhiên, ở một số tỉnh, TP tại khu vực đô thị, khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế… việc quản lý của cơ quan chức năng chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng công trình không tuân thủ quy định của pháp luật, như: xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng… dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn.

Cần siết chặt chế tài xử lý sai phạm của chung cư mini.
Cần siết chặt chế tài xử lý sai phạm của chung cư mini.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan: Công an, Công thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP rà soát, đánh giá toàn bộ những công trình hiện có; kiểm tra, khắc những tồn tại đặc biệt liên quan đến công tác PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép...

Phân tích và chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, xử lý đối với loại hình chung cư vi phạm PCCC. Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, qua một số vụ cháy liên quan đến chung cư mini, phía cơ quan công an đã rút ra một số vấn đề còn nhiều bất cập, thiếu sót.

Cụ thể như, quy định về xây dựng và các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chưa liên thông, đồng bộ, thống nhất với quy định về PCCC. Những sai phạm về xây dựng không được chính quyền và các ngành chức năng xử lý triệt để, dẫn đến sai phạm về PCCC mà chưa thể khắc phục được.

“Đặc biệt, trong quy định về PCCC, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, cao nhất là tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên lại không có chế tài cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải khắc phục các điều kiện an toàn PCCC, nên không thể giải quyết được tận gốc vấn đề” – Đại tá Dương Đức Hải cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP, ngoài ra Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện việc quản lý đối với các cơ sở được phân công theo Phụ lục IV. Tuy nhiên thực tế hiện nay, hầu hết UBND cấp xã đều “khoán trắng” cho lực lượng Công an, coi công tác PCCC là nhiệm vụ chính của công an.

“Trong điều kiện lực lượng công an cấp xã còn mỏng, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ dẫn đến chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm tra, quản lý về an toàn PCCC còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức, nhận thức về PCCC của người dân chưa cao, dẫn đến những khó khăn trong công tác PCCC từ cơ sở. Hiện nay, Công an TP Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt, nghiêm túc một số nội dung công tác và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Công an để tìm giải pháp khắc phục những thiếu sót, hạn chế nêu trên trong thời gian tới…” - Đại tá Dương Đức Hải cho cho biết thêm.