Cảnh báo hiểm họa nợ rình rập các quốc gia đang phát triển

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nền kinh tế mới nổi đang thực hiện các khoản vay với lãi suất ở mức cao so với thị trường.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo chi phí đi vay cao sẽ tác động đáng kể đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

Cảnh báo của ngân hàng này được đưa trong bối cảnh doanh số bán trái phiếu quốc tế từ các quốc gia đang phát triển đạt mức kỉ lục 47 tỷ USD trong tháng 1, dẫn đầu là các nền kinh tế mới nổi ít chịu rủi ro từ nợ như: Ả Rập Saudi, Mexico và Romania.

Trung tâm tài chính King Abdullah, Riyadh, Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters
Trung tâm tài chính King Abdullah, Riyadh, Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số nền kinh tế chịu nhiều rủi ro hơn đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lãi suất. Kenya gần đây đã phải trả hơn 10% cho trái phiếu quốc tế mới. Đây là ngưỡng mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể chấp nhận được.

Trả lời tờ Reuters vào hôm thứ Ba, Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “Việc vay mượn sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể. Bạn cần phải tăng trưởng nhanh hơn nhiều để có thể trả được lãi suất cao. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng nếu phải thế chấp với mức lãi suất 10%”.

Ông khẳng định thêm tăng trưởng nhanh hơn không phải là điều dễ dàng thực hiện, đặc biệt là việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng thực phải luôn cao hơn chi phí vay thực.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố vào tháng 1, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về việc nền kinh tế thế giới sẽ có hiệu suất yếu nhất trong 30 năm ở giai đoạn 2020-2024, ngay cả khi tránh được một cuộc suy thoái kinh tế diện rộng. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp xuống còn 2,4%, trước khi tăng lên 2,7% vào năm 2025.

Báo cáo nhận định tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,1% trong những năm 2010.

Sự suy giảm tăng trưởng này gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với các nền kinh tế mới nổi, nhất là khi khoảng 1/3 trong số này vẫn chưa thực sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, và chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người dưới mức năm 2019. Ông Kose cho biết điều này có thể sẽ tạo ra thách thức đối với việc hoàn thành các mục tiêu chi tiêu cho giáo dục, y tế và khí hậu.

“Tôi nghĩ sẽ khó đạt được những mục tiêu đó, nếu không muốn nói là không thể, với mức tăng trưởng mà chúng tôi đã chứng kiến” – Kose cho biết.

Bên cạnh đó, xung đột leo thang tại Trung Đông cũng là một trong những nguy cơ làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế, làm dấy lên những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như khiến thương mại toàn cầu ngày càng đi xuống.

Ông Kose cho biết: “Thương mại đang là động lực quan trọng thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi, đây là một nguồn thu quan trọng”.

Khả năng thực hiện cơ cấu nợ

Vị chuyên gia này cho biết thêm, nếu tăng trưởng vẫn ở mức thấp, một số nền kinh tế mới nổi có thể phải đối mặt với việc cơ cấu lại nợ, chẳng hạn: điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ hoặc thỏa thuận với chủ nợ về việc cắt giảm nợ.

“Sớm hay muộn, bạn cũng cần phải cơ cấu lại các khoản nợ và điều này cần phải thực hiện theo một khuôn khổ nhất định” – ông cho biết.

Các quốc gia G20 đã đưa ra khung cơ cấu nợ chung vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền tài chính của các quốc gia. Kế hoạch này hướng đến việc đẩy nhanh và đơn giản hóa lộ trình giúp các quốc gia đang kiệt quệ vì nợ nần có thể dần khôi phục trở lại.

Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi Zambia đã thất bại trong việc cơ cấu lại nợ do nền kinh tế đình trệ và đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trong hơn ba năm.

“Nếu tăng trưởng yếu và điều kiện tài chính thắt chặt, bạn sẽ khó có thể thấy con đường để thoát khỏi nợ. Liều thuốc duy nhất cho vấn đề này là sự bứt phá trong tốc độ tăng trưởng” – ông Kose cho biết.