Canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của mưa lũ những năm gần đây, nhiều tuyến sông trên địa bàn Hà Nội đang bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, đặc biệt là cuộc sống của cư dân ven sông.

Thấp thỏm sống ven sông 
Sống ven sông Đáy gần một đời, ông Đỗ Văn Mai (thôn Cấp Tiến, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ) dường như đã quen với những con nước lên mỗi khi mùa mưa bão tới. Những diện tích ven bãi sông canh tác rau màu của gia đình ông giảm dần qua từng mùa lũ. Đến nay, một phần công trình phụ của gia đình cũng đã bị dòng nước cuốn trôi. Nhưng đáng lo ngại hơn khi gia đình ông Mai cùng khoảng 50 hộ dân khác vẫn đang nằm trong cung sạt có nguy cơ ăn sâu thêm nữa.
Cũng tại huyện Chương Mỹ, nhiều hộ dân thuộc xã Tốt Động đang “đứng ngồi không yên” trước tình trạng sạt lở đê tả sông Bùi. Ông Hà Huy Duẩn, người dân xã Tốt Động cho biết, hiện tượng sạt lở đã làm sụp đổ công trình phụ của gia đình. Đến nay, khi mùa nước lên, ngôi nhà của gia đình lại ngấp nghé mực nước sông. Có thời điểm như trong mùa mưa lũ năm 2018, gia đình ông phải sơ tán đi ở nhờ nhà họ hàng.
 Biển cảnh báo được lắp đặt tại khu vực sạt lở bờ tả sông Bùi đoạn qua xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Trong khi đó, tại thôn Phú Nhiêu (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì), 15 hộ dân với 52 nhân khẩu cũng đang thấp thỏm sống trong âu lo trước tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng ven sông Đà. Cùng thuộc khu dân cư bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ ông Đỗ Tuấn Hùng đang lo lắng hơn cả, bởi vị trí sạt lở ven con sông lớn chỉ còn cách ngôi nhà nhỏ mà gia đình ông sinh sống chừng 3 – 5m.
Không chỉ có các hộ dân sống ven sông, một số công trình, điểm di tích lịch sử gắn với đời sống văn hóa tâm linh cũng đang bị ảnh hưởng của tình trạng sạt lở. Trong số này, tình trạng sạt lở bờ tả sông Bùi đoạn qua xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) là đáng lo ngại hơn cả do có ảnh hưởng trực tiếp đến đình Lưu Xá.
Ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, TP vào năm 1998. Lễ hội của đình với các tập tục có giá trị vô cùng sâu sắc, trong đó, nổi bật nhất là hội thi bơi chải, đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.
Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, đình Lưu Xá đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở. Đoạn tường bao dài khoảng 125m tại khuôn viên đình đã bị nứt, đổ nghiêng. Những khối bê tông lớn bị kéo xuống dòng nước, đất đá nằm ngổn ngang. Thủ từ đình Lưu Xá Trương Đình Yên lo ngại, tình trạng sạt lở còn đang khiến những vết rạn nứt trên công trình phụ của ngôi đình xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Trưởng thôn Lưu Xá (xã Hòa Chính) Trần Minh Tân cho biết thêm, cùng với đình Lưu Xá, sạt lở ven bờ tả sông Bùi còn khiến nhiều bụi tre, cây cối, vật kiến trúc của 18 hộ dân trong thôn bị cuốn trôi xuống dòng nước. “Một số hộ dân đã phải di chuyển đi nơi khác sinh sống vì lo ngại nguy cơ từ dòng nước lớn...” – ông Tân nói.
Lo ngại an toàn đê điều 
Tình trạng sạt lở ven các tuyến sông Bùi, sông Đáy, sông Đà… không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều cư dân ven sông, mà còn làm suy giảm năng lực phòng chống lũ của các tuyến đê. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi mùa mưa bão 2020 được đánh giá là sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Ghi nhận tại xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) cho thấy, sạt lở đang xảy ra nghiêm trọng tại vị trí K12+450 đến K12+480 mái thượng lưu đê hữu Đáy. Cung sạt có chiều dài 30m; cao trình đỉnh cung sạt +13,3m. Đỉnh cung sạt cách mặt đê điểm gần nhất chỉ khoảng 2m.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, qua theo dõi, diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, uy hiếp đến an toàn đê hữu Đáy. Nếu không được xử lý kịp thời, có thể tiếp tục gây sạt lở và ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sinh sống ven bãi sông. 
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại thôn 5, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ).
Sạt lở phía thượng lưu bờ tả sông Bùi từ đầu cầu Đầm Mơ đến giáp kè cũ Đông Quang có chiều dài khoảng 300m. 2 cung sạt hình thành trong thời gian dài có chiều sâu từ 1 – 1,5m. Cung sạt hiện đã ăn sâu vào thân đê, làm nứt, vỡ mặt đường bê tông trên mặt đê. Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà an toàn của tuyến đê tả Bùi cũng trở nên rất đáng lo ngại.
Cũng trên tuyến đê tả Bùi, đoạn từ đình Yên Duyệt đến Xóm Mới (xã Tốt Động), dọc thân đê đã xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông lên cao. Mái sông dốc đứng, dòng chủ lưu thúc thẳng vào thân đê. Đáng chú ý, trên tuyến đê dài gần 1.500m đã xuất hiện đến 12 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, có chiều dài trung bình từ 10 – 65m. Chiều sâu cung sạt từ 1 – 2m, có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê vốn rất nhạy cảm với lũ to, nước lớn này.
Cấp bách khắc phục sự cố
Trước diễn biến sạt lở trên các tuyến sông Bùi, sông Đáy, sông Đà…, chính quyền các địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó ban đầu theo quy định. Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Chính cho biết, địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và chăng dây, ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở.
Đại diện một số địa phương khác cho biết thêm, thời gian qua đã tổ chức xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó, không để sự cố lan rộng. Tàu thuyền cũng được yêu cầu hạn chế qua lại những khúc sông có xảy ra sạt lở.
Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trước mùa mưa lũ đang đến gần, đặc biệt là an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, thực hiện khắc phục các sự cố khẩn cấp bằng nguồn ngân sách TP. Hà Nội cũng rốt ráo chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Tài chính sớm thống nhất tham mưu UBND TP cân đối bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án khi đủ điều kiện.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP, vừa qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND 3 huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, tiến hành kiểm tra thực địa, đo đạc địa chất, đánh giá hiện trạng. Trên cơ sở số liệu khảo sát thực tế, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ có báo cáo đề xuất TP phạm vi xử lý, cũng như nguồn vốn cần bố trí để xử lý cấp bách chống sạt lở trong thời gian sớm nhất.

Trước diễn biến sạt lở xảy ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến sông, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành các quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông tại nhiều địa phương.

Cụ thể là các sự cố sạt lở bờ sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn các xã: Hòa Chính, Tốt Động, Quảng Bị, Văn Võ (huyện Chương Mỹ); sự cố sạt lở bờ sông Đáy thuộc xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai); sự cố sạt lở bờ sông Đà đoạn qua xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), và sự cố sạt lở bờ sông Cà Lồ thuộc xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh).

UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở tiếp diễn, cắm biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh. Đồng thời, TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, thực hiện các dự án xử lý cấp bách những sự cố sạt lở nêu trên, bảo đảm phòng chống lũ, an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân ven sông.