''Cánh cửa hẹp'' cho Việt kiều Mỹ về quê đón Tết Tân Sửu 2021

Gia Tuấn (PV thường trú tại Mỹ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết cổ truyền luôn là thời điểm những người Việt Nam xa xứ sinh sống tại Mỹ háo hức trở về nguồn cội nhất. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 viễn cảnh đoàn viên Tết Tân Sửu 2021 chưa bao giờ nhọc nhằn đến vậy. Việt kiều Mỹ giờ chỉ biết buồn rầu tặc lưỡi: Có tiền chưa chắc về được Việt Nam ăn Tết.

Nhiều văn phòng đại lý dịch vụ bán vé máy bay khu Bolsa ế ẩm cả năm nay.
9.000 USD cho một vé ''chợ đen''?
Còn nhớ vào thời điểm Tết Mậu Tuất, tại các phòng vé trong khu Little Sai Gon - nơi cộng đồng người Việt tập trung sinh sống đông nhất, khung cảnh kẻ ra, người vào mua vé về Việt Nam ăn Tết lúc nào tấp nập, đông vui. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 2 năm sau, hầu hết các dịch vụ du lịch lại rơi vào cảnh cửa đóng then cài, do các chuyến bay thương mại ngừng hoạt động bởi virus Corona.

Tiếp tục hành trình “săn” vé về Việt Nam, phóng viên gọi đến đại lý vé máy bay Hwa Hwa Express Travel (có lịch sử 28 năm và được The Real Yellow Pages xếp hạng A+), chỉ nhận được lời nhắn bằng máy, rằng văn phòng đã đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Còn số điện thoại của đại lý vé Nam Anh Travel lại báo ''không sử dụng dịch vụ đã lâu'' (no longer in service), có nghĩa số phone đã bị khóa.
Chị Tammy Huynh - chủ tiệm Macy’s Hair & Nails tại TP San Jose tâm sự với phóng viên: ''Hầu như năm nào đại gia đình chị cũng tranh thủ thu xếp công việc để đưa các con về chơi dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay đành lỡ hẹn vì không thể nào tìm được vé. Chưa kể, có về được Việt Nam cũng phải cách ly thêm 14 ngày, hết Tết rồi còn đâu''.

Anh Rachel Nguyen - chủ phòng vé Dat Viet Travel trong khu Little Sai Gon quận Cam cho biết, dịch bệnh hoành hành, cả năm 2020 làm ăn ế ẩm, văn phòng gần như bị đình trệ. Mấy anh em trong nghề cứ an ủi nhau cố gắng chờ đến tháng 1 năm 2021, khi dịch được kiểm soát có thể bán vé khi đường bay mở trở lại. Dự báo giá vé khứ hồi từ San Francisco về Việt Nam trung bình khoảng 800 - 1.200 USD, tùy hãng hàng không và điểm đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng.
Thế nhưng hiện tại, chỉ có thể trông chờ duy nhất vào các chuyến bay ''giải cứu'' của Chính phủ Việt Nam dành cho du học sinh hoặc du khách bị kẹt ở Mỹ.
''Hơn 2 tuần trở lại đây, trung bình một ngày anh nhận hơn 10 cuộc điện thoại của khách hỏi ''giúp họ được đôi vé'' về Việt Nam không? Anh đều phải trả lời rằng, nếu việc quá gấp, đăng ký tên trên website của Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, California đề chờ xếp danh sách. Còn không, hãy ở lại Mỹ vì giá vé các của các chuyến bay ''giải cứu'' rất cao, dao động 2.000 - 2.500/1 chiều. Trong khi vé ''giải cứu'' từ nhiều chợ đen có khi hét tới 7.000 - 9.000 bay một chiều từ Mỹ về, mà không biết độ tin cậy tới đâu'' - anh Rachel chia sẻ.
Mẩu quảng cáo dịch vụ vé ''chợ đen'' từ Mỹ về Việt Nam.
Không xét lý do ''đoàn tụ gia đình''

Theo lời tư vấn, phóng viên tìm vào một trang Facebook có lượt tương tác khá cao, đăng nhiều tin quảng cáo dịch vụ bán vé về Việt Nam: ''Hiện tại, Lãnh sự quán đang chuẩn bị tăng cường cho chuyến bay hồi hương vì số lượng khách từ khắp mọi nơi đều tăng trong dịp Tết. Khách nên nhanh chóng liên hệ để có chỗ về kịp ăn Tết. Hồ sơ nộp càng sớm càng tốt…''.
Liên lạc với chủ nhân trang Facebook này để hỏi thông tin: ''Nghe nói sẽ không có chuyến bay nào được về Việt Nam lúc này?''. Qua điện thoại, một cô gái tên Huyen quả quyết: ''Có chứ, nhưng phải đăng ký ở Lãnh sự quán. Giờ Lãnh sự đang quá tải, khó nhận thêm đơn đăng ký. Muốn có vé nhanh, an toàn hãy làm việc qua bên em''.

Cô Huyen giải thích thêm, ngày muốn về vẫn phải nằm trong lịch trình các chuyến bay ''giải cứu'' của Chính phủ Việt Nam. Và vì còn phải có thêm dịch vụ xin giấy phép, nên giá vé mà cô này đưa ra là 7.200 USD một chiều (do đặt sát lịch).
''Ngoài ra, khách phải tự trả tiền cách ly 14 ngày. Nếu chọn cách ly tập trung với mọi người, khách chỉ đóng 120.000 VNĐ/1 ngày (khoảng 5USD). 14 ngày là khoảng 70 USD. Còn nếu cách ly tại khách sạn tự chọn, ở phòng riêng biệt, khách phải trả 80 - 100 USD/ngày”, cô Huyen nói thêm.
Trái ngược với lời mọi lời tư vấn của cô Huyen, trên website của Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, California, vẫn nhận các đơn “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam”. Tuy nhiên, từ ngày 20/6/2020, lý do dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, các nguyện vọng về nước chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam hiện đang cư trú tại các tiểu bang: California, Washington, Hawaii, Oregon, Arizona, Utah, New Mexico, Colorado, Idaho, Wyoming và Alaska. Các đối tượng ưu tiên xét gồm: Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà sở tại không có điều kiện hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học (tốt nghiệp) gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú; doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị mắc kẹt gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Lý do đoàn tụ gia đình không được xét vào diện ngoại lệ.
Quy trình ''Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam'' qua 5 bước, có vẻ đơn giản nhưng đều ''tắc'' ở bước 4 (tiếp nhận thông báo), vì chỉ khi đơn được duyệt, người nộp đơn mới nhận được thông báo.
Ở một diễn biến khác, ngày 13/1 - theo giờ Washington số người thiệt mạng bởi đại dịch Covid-19 ở Mỹ vượt quá 380.000, sắp bằng với số người Mỹ chết trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đường ''về nhà'' của cộng đồng người Việt vì thế có vẻ còn… rất xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần