Cảnh giác khi sử dụng “Ví điện tử”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an đang điều tra làm rõ vụ việc hai chủ thuê bao của Mobifone và Viettel ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị rút hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng qua dịch vụ SMS Banking khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Theo đó, trong vòng chưa đến 10 ngày đầu tháng 7 đã xảy ra 2 vụ khách hàng bị kẻ gian dùng Chứng minh nhân dân giả, đăng ký với nhà mạng thay đổi thông tin thuê bao và sau đó dùng số điện thoại này thực hiện các giao dịch mua hàng qua mạng từ tài khoản ở ngân hàng. Hai nạn nhân là anh Đặng Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và anh Vũ Minh Nhật (Hà Nội) dù sau đó đã lập tức làm việc với nhà mạng và lấy lại được số điện thoại nhưng anh Hải đã bị kẻ gian lấy mất 30 triệu đồng trong tài khoản, còn anh Nhật là 74,8 triệu đồng.

Sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động trong việc mở rộng và liên kết các tiện ích thông qua điện thoại di động hiện nay cũng như các lỗ hổng trong quản lý "ví điện tử". Theo một chuyên gia bộ phận nghiên cứu và phát triển Công ty An ninh mạng BKAV, nếu chỉ mất SIM không thì việc mất tiền không xảy ra. Vấn đề ở đây là người tiêu dùng còn bị lộ thông tin về tài khoản ngân hàng cũng như là các giao dịch của họ. Việc lộ này có thể là do máy tính bị nhiễm virus hoặc điện thoại đã bị cài những phần mềm gián điệp lấy trộm thông tin... hoặc do chính hệ thống thanh toán... Chính vì vậy, khi đối tượng xấu đã có đầy đủ các thông tin thì họ có thể làm giả Chứng minh nhân dân và chuyển tiền trong tài khoản của người sử dụng. Về phía nhà mạng thì việc quản lý SIM rõ ràng có vấn đề phải xem xét lại, vì chỉ cần một Chứng minh nhân dân không rõ ràng (photo) nhưng cũng được cấp lại thẻ SIM.

Như vậy, khi điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến tham gia vào các vấn đề thanh toán online, các dịch vụ di động thì những thông tin tài khoản và thông tin trên điện thoại phải được bảo mật chặt chẽ. Phải có những biện pháp bảo vệ như cài đặt các phần mềm an ninh cho điện thoại đi động để chống bị cài đặt những phần mềm nghe lén, phần mềm gián điệp ăn cắp thông tin... Ngân hàng phát hành thẻ khuyến cáo khách hàng cần chú trọng bảo vệ, bảo mật các thông tin thẻ, thông tin cá nhân bao gồm cả mật khẩu truy cập hệ thống internet banking, email; không cung cấp cho bất kỳ ai; không cho ai mượn thẻ... Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất là  đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần làm gì để bảo vệ, không gây thiệt hại cho người dùng trong những trường hợp tương tự?