Chaebols Hàn Quốc vươn tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Á, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cao cùng tốc độ phát triển vượt bậc của các lĩnh vực nòng cốt như: điện tử, viễn thông, ô tô và thép.

Các tập đoàn gia đình, hay còn gọi là chaebol, không chỉ có đủ sức mạnh để chi phối nền kinh tế Hàn Quốc mà còn khẳng định vị thế trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực như: chip, điện tử, viễn thông… Trong đó, nổi bật nhất là hai “ông lớn” ngành chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynis.

Samsung vượt khó trở thành đế chế hàng đầu thế giới

Không chỉ đứng đầu ở Hàn Quốc, Samsung Electronics còn là một trong những tập đoàn thương mại đa lĩnh vực hàng đầu thế giới. Hiện tập đoàn này là một trong những nhà cung cấp lớn nhất trên toàn cầu về các dòng sản phẩm thuộc các lĩnh vực: điện tử tiêu dùng, công nghệ thông tin, truyền thông di động cũng như các giải pháp thiết bị. Người tiêu dùng trên thế giới đã quá quen thuộc với những sản phẩm chất lượng cao và có nhiều tính năng ưu việt của Samsung như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV, tủ lạnh, máy lọc không khí, máy giặt...

Trở về quá khứ, Samsung được sáng lập vào năm 1938 bởi thương nhân Lee Byung-chul với mức vốn vỏn vẹn 27 USD. Tiền thân ban đầu chỉ là một chuỗi cửa hàng nhỏ chuyên kinh doanh các loại thực phẩm như: gạo, tạp hóa phẩm, cá khô, ... công ty này đã phải trải qua một quá trình kéo dài 80 năm, với nhiều thương vụ sáp nhập khác nhau để trở thành một trong những đế chế hùng mạnh nhất của Hàn Quốc và thế giới.

Chaebols Hàn Quốc vươn tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới - Ảnh 1Tòa nhà văn phòng của Samsung Electronics tại quận Seocho, Seoul. Nguồn: Yonhap.

Đặc biệt, vào những năm cuối của thập kỷ 60, Samsung đã ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong định hướng, chiến lược kinh doanh khi chuyển từ chuỗi cửa hàng buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ sang kinh doanh công nghệ điện tử, với việc cho ra mắt một chiếc ti vi đen trắng vào năm 1970.
Mặc dù đối mặt nhiều biến cố trong giai đoạn 1970 - 1980 với sự sáp nhập của các công ty con hay sự ra đi của Chủ tịch Lee Byung Chul, Samsung đã biết cách vượt khó và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong giai đoạn 20 năm tiếp theo (1980 - 2000).

Tập đoàn này đã vượt mặt nhiều đối thủ để trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992 và bắt đầu sản xuất chip tại thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ vào năm 1996. Không những vậy, vào năm 1995, Samsung đã ghi đậm dấu ấn với việc đạt được cột mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. Ba năm sau, công ty cho ra mắt màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên của mình, quyết tâm trở thành một trong những tập đoàn sản xuất hàng đầu đối với dòng sản phẩm này.

Trong giai đoạn 2000 - 2015, Samsung khẳng định vị thế hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất chip điện tử và vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, tập đoàn hàng đầu thế giới này còn mở rộng sang nhiều ngành khác nhau với công nghệ cao hơn như vệ tinh hay hàng không vũ trụ.

Không dừng lại ở đó, Samsung vẫn luôn duy trì sức ảnh hưởng của mình không chỉ tại thị trường châu Á mà còn trên toàn cầu. Vào năm 2020, công ty đa lĩnh vực này đã vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá khác để trở thành thương hiệu được người châu Á yêu thích nhất trong 9 năm liền.
Samsung cũng hướng tới khai thác thêm nhiều thị trường nhiều tiềm năng như: Việt Nam, Ấn Độ, Brazil ... nhằm tiếp tục củng cố vị thế công ty đa lĩnh vực hàng đầu thế giới và cạnh tranh với các đối thủ lớn khác.

Trong năm 2023, Samsung tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), tập trung vào thế mạnh sản xuất chip nhớ dù lĩnh vực này đã bị lỗ khoảng 3,4 tỷ USD trong quý I kéo lợi nhuận công ty giảm xuống 95%. Hồi tháng 3, “ông lớn” này đã thông báo kế hoạch đầu tư 228 tỷ USD vào một cơ sở bán dẫn ở Hàn Quốc.

Lý giải nguyên nhân khiến tập đoàn đa ngành này sẵn sàng đổ nguồn vốn khổng lồ vào lĩnh vực trên, chuyên gia Dylan Patel từ Công ty SemiAnalysis cho biết: “Samsung đang dốc mọi nguồn lực vào ngành công nghệ nhằm bảo đảm vị trí dẫn đầu trước các đối thủ lớn của mình”.

SK Hynix và nỗ lực bắt kịp Samsung

Xếp thứ hai trên thế giới về lĩnh vực chip nhớ và thứ ba giới về chất bán dẫn cũng là một trong những DN hàng đầu Hàn Quốc - tập đoàn SK Hynix.

Được thành lập vào năm 1983 bởi tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, công ty có tên gọi ban đầu là Hyundai Electronics Industries. Năm 1999, công ty này mua lại LG Semiconductor từ tập đoàn LG, sau đó đổi tên thành Hynix Semiconductor vào năm 2001.

Tập đoàn SK Hynix xếp thứ hai trên thế giới về lĩnh vực chip nhớ. Ảnh: Anandtech.com
Tập đoàn SK Hynix xếp thứ hai trên thế giới về lĩnh vực chip nhớ. Ảnh: Anandtech.com

Cũng trong năm 2001, công ty chịu sự giám sát của các tổ chức tài chính do gặp khó khăn trong cân đối kế toán và được tái cấu trúc. Đến năm 2011, nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu Hàn Quốc SK Telecom, thuộc SK Holdings đứng ra bảo trợ công ty này, dẫn đến việc chuyển sang tên gọi SK Hynix vào năm 2012.

SK Hynix hiện đang là nhà cung ứng hàng đầu thế giới với các dòng sản phẩm như: chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), chip bộ nhớ điện tĩnh flash NAND. Với chất lượng vượt trội về chip, SK Hynix đang là sự lựa chọn số một của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như: Microsoft, Apple, Asus trong việc hợp tác để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Các sản phẩm của “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc này đang phổ biến rộng rãi trên khắp các thị trường rộng lớn, từ châu Mỹ, châu Âu cho đến châu Á - Thái Bình Dương.

Gần đây, SK Hynix đang phả hơi nóng vào vị trí dẫn đầu của gã đối thủ quen thuộc Samsung bằng việc tung ra phiên bản mới nhất của DRAM (Dynamic RAM) là DRAM LPDDR5T. Với kỳ vọng rằng đây là dòng sản phẩm DRAM nhanh nhất trên thị trường, SK Hynix khẳng định không e ngại mọi đối thủ, cho dù là Samsung.

 

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu TrendForce cho thấy, bất chấp đang gặp khó khăn, Samsung vẫn đang dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ khi nắm giữ thị phần hơn 40% trong quý IV/2022, theo sau là SK Hynix và Micron với thị phần lần lượt là: 28,8% và 26,4% trong cùng quý.

 

Nhiều công ty công nghệ đánh giá cao dòng sản phẩm này, với việc Media Tek thu được kết quả vượt mong đợi khi thí nghiệm vi xử lý sắp được ra mắt của hãng này trên chuẩn DRAM LPDDR5T. Theo các báo cáo, LPDDR5T có tốc độ truyền dữ liệu lên tới 9,6 Gbps, tăng 13% so với tiêu chuẩn

LPDDR5X của Samsung. Không những vậy, LPDD5RT có khả năng hoạt động ở điện áp cực thấp, từ 1,01-1,12V, giảm 10% so với LPDDR5X. Những ưu thế này sẽ giúp các công ty công nghệ có thể tạo ra những thiết bị di dộng luôn hoạt động với hiệu suất cao và khả năng lưu trữ lớn.