Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Bộn bề khó khăn

Bài, ảnh: Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) của người cao tuổi (NCT) nhưng Việt Nam vẫn vấp phải những khó khăn, thách thức.

Những nỗ lực nhất định
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ NCT trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Hiện, nước ta có khoảng 11,4 triệu NCT. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 18 triệu NCT chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 NCT và đến năm 2050 là hơn 28 triệu NCT.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong việc chuyển đổi hệ thống CSSK NCT.
Trong đó, Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã xây dựng chính sách CSSK NCT dài hạn cũng như tăng cường dự phòng, mở rộng các mô hình chăm sóc NCT ngay tại cộng đồng. “Với tỷ lệ gần 68% NCT sống ở nông thôn, việc xây dựng các mô hình CSSK NCT tại cộng đồng rất phù hợp với đặc điểm NCT ở nước ta. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án CSSK NCT đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai” - ông Trường nhấn mạnh.
 Cán bộ y tế khám sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho hay, đến nay, tại Việt Nam đã có 59/63 tỉnh/TP phê duyệt và triển khai Đề án CSSK NCT. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, có 9.839 CLB CSSK NCT đang hoạt động, có 38.231 tình nguyện viên thực hiện CSSK NCT tại gia đình và cộng đồng. Tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm khoảng 29,5%. Tỷ lệ NCT có thẻ BHYT đạt 95%.
Tại Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho NCT, từ tháng 12/2017, Hà Nội đã triển khai và duy trì mô hình chăm sóc NCT sinh con một bề là gái. Theo ông Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, những năm qua, mô hình đã đem lại cho NCT một niềm tin, sự phấn khởi, một không khí vui vẻ thoải mái khi tham gia các hoạt động. Từ việc NCT chưa có kiến thức về sức khỏe, nay họ đã được trang bị các kiến thức để biết cách phòng tránh bệnh và phát hiện sớm một số bệnh thường gặp ở NCT, biết cách ăn uống, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
Ông Huy cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã triển khai, duy trì 80 mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng ở 80 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, từ tháng 3/2020 đến nay, 23/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng, mô hình chăm sóc NCT sinh con một bề gái…
Thiếu cả nhân lực và cơ sở vật chất
Đánh giá về chất lượng dịch vụ CSSK NCT hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức cho rằng, chất lượng các cơ sở mới ở mức độ quản lý NCT, chưa hẳn là chăm sóc bởi còn thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, chưa có các quy chuẩn trong xây dựng, trang thiết bị, chế độ ăn và kỹ năng chăm sóc. Công tác kiểm tra các cơ sở này cũng có nhưng chưa được đều đặn và thường xuyên.
Trong khi, theo nghiên cứu của BV Lão khoa T.Ư, trung bình 1 NCT Việt Nam mắc từ 3 - 5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài. Điều này cho thấy, hệ thống CSSK NCT dù bước đầu được hình thành từ T.Ư đến địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT. Mặt khác, hiện nay, các cơ sở chăm sóc NCT đang bị khủng hoảng thiếu nhân lực chăm sóc NCT.
Liên quan đến vấn đề CSSK NCT, GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, đến nay, số cơ sở y tế có lão khoa, đội ngũ nhân viên y tế lão khoa còn ít. Các cơ sở chăm sóc NCT chưa phát triển...
Thời gian tới, Việt Nam phải đẩy mạnh việc chuẩn bị toàn diện (chăm sóc y tế, an sinh xã hội, tâm lý xã hội...) cho một xã hội có dân số già. Đa dạng hóa hơn các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho những người tri thức là NCT tiếp tục được làm việc và cống hiến. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ các trung tâm dưỡng lão để giảm chi phí cho NCT.
Theo bà Lưu Thị Hường - Trưởng ban Chăm sóc NCT, T.Ư Hội NCT Việt Nam, khó khăn lớn nhất là do nguồn kinh phí không đủ để ngành y tế triển khai CSSK NCT. Gia đình và xã hội phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe NCT có hoàn cảnh khó khăn, NCT ở nông thôn. Các cấp hội NCT tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, vận động và động viên các tổ chức xã hội quan tâm chăm sóc NCT tốt hơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần